VinaCapital: VND sẽ bắt đầu tăng giá trong hai năm tới nhờ nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo nhận định của Công ty Quản lí quĩ VinaCapital mới công bố gần đây, Việt Nam sẽ tiếp tục tận hưởng các điều kiện kinh tế thuận lợi, trong đó có tăng trưởng GDP đạt 7% và lạm phát giá tiêu dùng (CPI) tương đối thấp (cụ thể là 2%).
"Các điều kiện này khiến Việt Nam trở thành điểm đến lí tưởng cho các nhà đầu tư tư nhân và đại chúng", báo cáo viết.
Cùng với đó, việc chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây đã giúp tỷ giá USD/VND ít biến động và VinaCapital tin tưởng VND sẽ bắt đầu tăng giá trong vòng hai năm tới, từ đó tăng lợi nhuận của nhà đầu tư.
Tiêu dùng tăng trưởng tốt, bất chấp số lượt khách du lịch giảm
Được thúc đẩy bởi mức tiêu dùng hộ gia đình và sản lượng công nghiệp hứa hẹn, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7% trong năm 2018 và ghi nhận kết quả tương đương trong 9 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh số bản lẻ thực tế - một chỉ số tương đồng với mức chi tiêu hộ gia đình, đã tăng 9,2% so với cùng kì năm trước.
Tốc độ tăng trưởng trên ngang bằng với tăng trưởng doanh số bán lẻ năm 2018, mặc dù số lượng khách du lịch đến Việt Nam (chiếm hơn 10% doanh số bán lẻ) đã giảm 12% từ 23% 9 tháng đầu năm ngoái xuống còn 11% cùng kì năm nay.
Nguyên nhân cho mức sụt giảm 12% kể trên là tốc độ tăng trưởng khách du lịch Trung Quốc (chiếm một phần ba tổng lượng khách du lịch) đã giảm từ 30% 9 tháng đầu năm 2018 xuống còn 4% trong cùng kì năm nay.
Hoạt động tiêu dùng tăng trong bối cảnh lượng khách du lịch giảm mạnh cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang rất tự tin, mà theo công ty nghiên cứu Nielsen, chỉ số niềm tin người dùng của Việt Nam đang cao thứ ba trên thế giới.
Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng hai chữ số
Lĩnh vực sản xuất chiếm gần 20% cơ cấu kinh tế Việt Nam, và sản lượng công nghiệp thậm chí tăng lên mức hai con số trong nhiều năm nay, bao gồm mức tăng 11% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm ngoái.
Theo VinaCapital, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vì nhiều lí do, trong đó thuyết phục nhất phải kể đến chính phủ đang theo đuổi "Mô hình Phát triển Đông Á" tương tự các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng như Singapore.
Các nền kinh tế theo đuổi mô hình này ban đầu tập trung vào nâng cao hiệu quả của ngành nông nghiệp và sau đó chuyển thặng dư kinh tế vào phát triển lĩnh vực sản xuất theo hướng xuất khẩu.
Trung Quốc cũng từng áp dụng mô hình phát triển kể trên, tuy nhiên đất nước tỉ dân đã đẩy nhanh tiến độ bằng cách sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tăng dòng vốn dự trữ trong nước.
Thành công của Trung Quốc trong chính sách thu hút vốn FDI đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Việt Nam tăng tốc hơn nữa. Nhờ đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam trung bình đạt 7% GDP trong 7 năm qua, so với 4% GDP của Trung Quốc trong thời kì hoàng kim hồi của dòng vốn FDI hồi những năm 2000.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng 7% và có nhiều lí do để tin tưởng tốc độ dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, đặc biệt là khi tiền lương công nhân ở Việt Nam chưa bằng một nửa tại Trung Quốc.
Hơn nữa, nhiều khảo sát của Nhật Bản và các công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam đánh giá chất lượng lao động của Việt Nam ngang ngửa Trung Quốc.
Cuối cùng, một lí do thuyết phục khác để tin rằng sản lượng công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng trưởng hai con số ít nhất trong 5 năm tới là lĩnh vực sản xuất của các nền kinh tế lớn khác ở châu Á thường đóng góp hơn 30% vào GDP ở thời kì đỉnh cao của quá trình công nghiệp hóa.
Như vậy, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chỉ mới chiếm chưa đầy 20% cơ cấu kinh tế đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng cho ngành này là rất lớn.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tạo tiền đề cho VND tăng giá
Theo VinaCapital, chính phủ Việt Nam đã ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong nhiều năm qua sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sau sự sụp đổ của thị trường bất động trong nước năm 2011, dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ không thanh toán được xấp xỉ 17% tổng mức nợ.
Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam gia tăng vào năm 2015 khi đồng nhân dân tệ đột ngột mất giá 3% khiến giá trị của đồng VND cũng giảm 3% và khiến thị trường chứng khoán "bốc hơi" 15%.
VinaCapital nhận định, các nhà hoạch định chính sách và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thành công trong công cuộc ổn định nền kinh tế vĩ mô đầy biến động trước đây và đưa đất nước trở thành "nơi trú ẩn" an toàn trong nhóm các thị trường mới nổi.
Cũng theo VinaCapital, Việt Nam sẽ áp dụng chiến lược duy trì tỷ giá hối đoái USD/VND ổn định và dễ dự đoán nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Chiến lược trên đang mang lại hiệu quả với bằng chứng là tổng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đang trên đà đạt đến con số khủng 15% GDP trong năm nay.
Các dòng tiền này cùng thặng dư thương mại tương đương 3% GDP trong 9 tháng đầu năm 2019 cho phép NHNN mua khoảng 12 tỉ USD dự trữ ngoại hối từ đầu năm cho đến nay, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên hơn 70 tỉ USD - tương đương với giá trị nhập khẩu của gần 4 tháng, hay 27% GDP.
Dòng vốn nước ngoài tăng mạnh, kết hợp cùng việc chính phủ áp dụng chế độ neo tỷ giá hối đoái điều chỉnh dần vào năm 2016 và tập trung vào duy trì lạm phát ở mức khiêm tốn, đã giúp duy trì tỷ giá USD/VND ổn định trong những năm gần đây.
Bất chấp áp lực gây sụt giá từ bên ngoài, đồng VND vẫn giữ được tỷ giá tương đối ổn định trong hai năm qua. Điều này khiến VinaCapital cho rằng VND sẽ bắt đầu tăng giá trong vòng hai năm tới.
Lí giải nguyên nhân cho nhận định này, VinaCapital đã đưa ra thực tiễn tại Trung Quốc, nước này đã duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong 10 năm liên tiếp kể từ năm 2005 mà tại thời điểm đó, áp lực lên giá lên đồng nhân dân tệ đã giúp đồng tiền tăng khoảng 25% so với đồng USD.
Việt Nam cũng đã duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong 9 năm liền và dự trữ ngoại hối tăng lên tương đương 28% GDP, tức là khá gần mức dự trữ ngoại hối xấp xỉ 30% GDP mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tích lũy sau khi nước này duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong 9 năm liền.
Hơn nữa, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc trung bình đạt 2% GDP, từ đó dẫn đến sự tăng giá mạnh mẽ của đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt trung bình gần 3% GDP trong 9 năm qua, củng cố lập luận đồng VND sắp tăng giá.
Một lí do khác để kì vọng đồng VND lên giá là sự gia tăng đáng kể và ổn định của "Tỷ giá Hối đoái Hiệu dụng Thực" (hay REER) trong 8 năm qua, như trong biểu đồ bên dưới.
Nguồn: VinaCapital
Số liệu này đánh giá sức mạnh của đồng VND so với tất cả quốc gia Việt Nam có mối quan hệ thương mại và REER cũng đã được hiệu chuẩn nhằm tính đến sự khác biệt về tỉ lệ lạm phát giữa các quốc gia.
Như vậy, REER của một nước tăng ổn định thường là tiền đề cho tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng, mà ở đây là tỷ giá USD/VND thông thường.