|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường chứng khoán có thể thất vọng vì tin tưởng Fed sẽ sớm giảm mạnh lãi suất

10:51 | 16/11/2023
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang hy vọng Fed vừa có thể lèo lái nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái, vừa có thể giảm lãi suất tới 1 điểm % trong năm 2024.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Financial Times). 

Thị trường có vẻ đã coi các dữ liệu kinh tế tích cực trong tuần này là tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất quyết liệt vào năm sau. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) tháng 10 chỉ ra lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể so với hồi giữa năm 2022.

Theo dữ liệu của CME Group, các nhà đầu tư đang dự đoán là đến cuối năm 2024, lãi suất sẽ giảm 1 điểm % so với mức hiện tại. Dự đoán này có thể quá lạc quan khi xét đến lập trường thận trọng của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ông Lou Crandall, nhà kinh tế trưởng tại Wrightson ICAP, lưu ý "kết quả của cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa rõ ràng". Vị chuyên gia nói Fed đã ghi nhận tiến triển tốt nhưng chưa thể tuyên bố chiến thắng trước lạm phát.

Tuần này, Bộ Lao động Mỹ đã công bố hai báo cáo quan trọng. Một báo cáo cho thấy so với tháng 9, CPI tháng 10 không đổi, báo cáo còn lại chỉ ra PPI giảm 0,5 %. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tăng 3,2% và PPI đi lên 1,3%.

Song, CPI lõi vẫn cao hơn 4% so với một năm trước. Hơn nữa, thước đo giá cả “dai dẳng” của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy tỷ lệ lạm phát hiện tại vẫn nằm ở mức 4,9%.

Ông Crandall nhấn mạnh: “Dữ liệu trong tuần này cho thấy lạm phát đang đi đúng hướng. Nhưng chúng ta vẫn chưa tới điểm đích”.

Đưa lạm phát về mức 2%

“Điểm đích” của Fed không nhất thiết là lạm phát phải quay về con số 2%. Điều mà giới chức ngân hàng trung ương Mỹ muốn thấy là bằng chứng “thuyết phục” chứng tỏ lạm phát đang hướng về cột mốc đó.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 9, Chủ tịch Jerome Powell bày tỏ: “Chúng tôi đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách và chờ đợi các dữ liệu tiếp theo. Chúng tôi muốn thấy bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đã quay về mức thích hợp”.

Các quan chức Fed không nói rõ lạm phát cần giảm bao nhiêu tháng liên tục thì họ mới có thể đưa ra kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, lạm phát giá tiêu dùng lõi đã giảm liên tục kể từ tháng 4. Đối với Fed, CPI lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) là thước đo xu hướng lạm phát dài hạn đáng tin cậy hơn là CPI.  

 

Theo tờ CNBC, lúc này các nhà đầu tư có vẻ quả quyết hơn Fed. Hôm 15/11, thị trường tương lai kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư dự đoán ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ bắt đầu giảm lãi suất 0,25 điểm % vào tháng 5/2024, đưa ra động thái tương tự vào tháng 7 và tung ra hai đợt giảm nữa trong những tháng cuối năm 2024.

Nếu kịch bản trên thành hiện thực, lãi suất của Fed vào cuối năm 2024 sẽ nằm trong phạm vi 4,25 - 4,5%. Thị trường sẽ theo dõi sát sao phản ứng của giới chức Fed trong cuộc họp chính sách tháng 12.

Ngoài quyết định lãi suất, các quan chức cũng sẽ công bố biểu đồ “dot plot” thể hiện kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách về lãi suất trong tương lai, cũng như dự báo về GDP, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.

Tuy nhiên, các dự báo về chính sách của Fed có thể thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ. Từ nay cho đến cuộc họp tháng 12, Fed vẫn còn phải mổ xẻ hai báo cáo lạm phát nữa. Phố Wall có thể thất vọng với cách Fed đánh giá hướng đi ngắn hạn của chính sách tiền tệ.

Ông Eric Rosengren, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, nói với CNBC: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ không muốn báo hiệu rằng giờ là lúc để bắt đầu nói về việc hạ lãi suất, dù thị trường tương lai đã phản ánh sự đà giảm của lãi suất vào giá”.

Hy vọng “hạ cánh mềm”

Tuần này, thị trường chứng khoán trở nên hào hứng là nhờ hai động lực cơ bản. Thứ nhất, nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất và thứ hai là các quan chức có thể đưa nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm". 

Tuy nhiên, hai quan điểm trên thực chất lại không thống nhất với nhau, bởi trong lịch sử Fed thường chỉ giảm lãi suất mạnh mẽ khi nền kinh tế suy thoái. Đầu tuần này, chủ tịch Fed chi nhánh Chicago cũng cảnh báo rằng ông thấy Fed “vẫn còn một chặng đường” phải đi để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Ông Rosengren, cựu quan chức Fed, nhìn nhận: “Kịch bản khả dĩ nhất là nền kinh tế sẽ chỉ chậm lại thay vì suy thoái. Nhưng nền kinh tế vẫn có khả năng sụt giảm mạnh hơn dự kiến”.

 

Fed không muốn lặp lại sai lầm quá khứ là kết thúc cuộc chiến chống lạm phát quá sớm ngay khi có dấu hiệu nền kinh tế đang sa sút, giống như những gì xảy ra gần đây. 

Nhìn chung, các quan chức Fed không muốn bày tỏ niềm tin thái quá rằng họ đã sắp xong việc. Nhà kinh tế Crandall chỉ ra: “Một trong những rắc rối mà Fed luôn gặp phải là ảo tưởng về khả năng kiểm soát. Fed có thể tác động đến nhiều yếu tố nhưng không thể kiểm soát chúng. Vì vậy, tôi chỉ cảm thấy hơi lạc quan rằng Fed có thể đạt được mục tiêu lạm phát. Tuy nhiên, lạc quan không giống với tự tin”.

Giang