Thị trường chứng khoán (9/7): Bất ngờ đổ dốc, VN-Index mất mốc 1.350 điểm
Kết phiên, VN-Index giảm 27,54 điểm (2%) xuống 1.347,14 điểm; HNX-Index giảm 2,93% xuống 306,73 điểm, UPCoM-Index giảm 1,58% còn 87,08 điểm.
Áp lực bán duy trì đến cuối phiên khiến các chỉ số đều đóng cửa trong sắc đỏ, VN-Index theo đó cũng rơi khỏi mốc 1.350 điểm. Thị trường bị sắc đỏ chi phối với 306 mã giảm giá (trong đó có 42 mã giảm sàn), 77 mã tăng giá, còn lại 33 mã đứng giá tham chiếu.
Trong nhóm VN30, duy nhất cổ phiếu MWG kết phiên trong sắc xanh, tăng 2,3% so với phiên trước lên 176.500 đồng/cp. Cổ phiếu TCB đứng giá tham chiếu trong khi 28/30 mã còn lại chìm sâu trong sắc đỏ. Những mã giảm sâu nhất trong rổ VN30 là NVL (6,6%), VRE (6,4%), SBT (6,2%) và TCH (5%).
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 29.876,33 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE tăng 27% lên 25.710 tỷ đồng.
Tính đến 14h10, VN-Index giảm 21,4 điểm (1,56%) xuống 1.353,28 điểm, VN30-Index giảm 17,89 điểm (1,18%) còn 1.503,32 điểm.
Tâm lý tiêu cực trùm lên thị trường khi các mã vốn hóa lớn tiếp tục chỉnh sâu như VCB, VIC, VHM, GVR và HPG. Riêng Top10 mã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường đã lấy đi gần 22 điểm của chỉ số. Lực cầu bắt đáy nhập cuộc khi chỉ số rơi sâu giúp thị trường hồi phục trở lại.
Tính đến 13h40, VN-Index giảm 12,94 điểm (0,94%) còn 1.361,74 điểm, VN30-Index giảm 7,55 (0,5%) xuống 1.513,66 điểm.
Đà giảm của thị trường tiếp tục nới rộng trong phiên chiều nay, có thời điểm VN-Index rơi hơn 17 điểm. Thời điểm hiện tại, cổ phiếu MBB đứng đầu trong danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị 194,84 tỷ đồng trong khi dòng tiền của nhóm này tiếp tục rút mạnh khỏi NVL (77,7 tỷ đồng).
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 7,8 điểm (0,57%) xuống 1.366,88 điểm, HNX-Index tăng 0,13% lên 316,38 điểm, UPCoM-Index giảm 0,63% xuống 87,93 điểm.
Việc thiếu vắng đi nhóm cổ phiếu dẫn dắt khiến thị trường không thể giữ được nhịp hồi phục trong nửa cuối phiên sáng. Có thời điểm VN-Index tiến gần đến mốc tham chiếu, thậm chí VN30-Index đã lấy lại sắc xanh. Nhưng lực bán gia tăng khiến chỉ số đảo chiều giảm sâu về cuối giờ sáng.
Theo quan sát, sắc xanh đơn lẻ tại một số mã của các ngành đóng vai trò giữ nhịp thị trường như TCB, VIB, MWG, GAS, MSN, DGC, FPT và PNJ. Chiều ngược lại, đà giảm sâu của VCB, NVL, GVR, VIC, BID, VNM nhấn chìm thị trường chung.
Nổi bật nhất trong phiên giao dịch sáng nay là nhóm ngành bán lẻ. Bất chấp tác động từ việc giãn cách xã hội tại các địa phương hay các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19, cổ phiếu bán lẻ đồng loạt tăng giá mạnh như MWG, PNJ, FRT, PET.
Đóng cửa phiên sáng, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động tăng 2,3% lên 176.500 đồng/cp. Có thời điểm mã này tiệm cận ngưỡng 180.000 đồng/cp.
Trở lại diễn biến của thị trường chung, thanh khoản sáng nay ở mức thấp khi tâm lý nhà đầu tư đa phần là thận trọng với diễn biến của thị trường. Tổng thanh khoản toàn thị trường đạt 14.528 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 11.646 tỷ đồng.
Tính đến 10h40, VN-Index giảm 5,67 điểm (0,41%) còn 1.369,01 điểm, VN30-Index giảm 3,09 điểm (0,2%) về 1.518,12 điểm.
Sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo tại nhóm VN30 với 20 mã giảm. Tuy nhiên số ít mã tăng điểm như MWG, PNJ, TCB, FPT, GAS, MSN, TPB, SSI cùng đỡ chỉ số. Dòng tiền diễn biến lình xình tương tự phiên hôm qua trong bối cảnh không có sự dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu.
Tính đến 9h50, VN-Index giảm 6,24 điểm (0,45%) xuống 1.368,44 điểm; HNX-Index tăng 0,01% lên 316,01 điểm; UPCoM-Index giảm 0,29% còn 88,23 điểm.
Thị trường chứng khoán mở cửa với tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Hôm nay là ngày T+3 của phiên thị trường rơi mạnh hôm 6/7 vừa qua, do đó kịch bản thị trường tạo hai đáy hay tích lũy tiếp nhiều khả năng sẽ được quyết định trong phiên này.
Áp lực bán gia tăng tại một số bluechips như VIC, VCB, NVL, VHMM, GVR, GAS và VRE. Diễn biến phân hóa rõ nét hiện diện tại một số nhóm ngành như ngân hàng, bảo hiểm. Bên cạnh đó, cổ phiếu nhóm thép chịu lực cung tăng mạnh và đồng loạt giảm điểm. Các nhóm ngành khác như dầu khí, thủy sản, dệt may, phân bón cũng giao dịch khá tiêu cực.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu nhóm bán lẻ như MWG, PNJ, FPT, DGW giao dịch khởi sắc, góp phần thu hẹp đà giảm của thị trường.
Trở lại diễn biến trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 8/7 giữa nhiều lo lắng về quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh vì các biến chủng mới.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 260 điểm, tương đương 0,75%, kết phiên ở 34.422 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,86% còn 4.321 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,72%, đóng cửa ở 14.560 điểm.
Cả S&P 500 và Nasdaq đều từng đóng cửa ở đỉnh lịch sử trong phiên trước nhờ nhóm công nghệ vốn hóa lớn diễn biến khả quan.