|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 9/7: Tự doanh chuyển bán ròng phiên điều chỉnh, tập trung xả HPG và nhóm ngân hàng

08:10 | 09/07/2021
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền thông minh 9/7, khối tự doanh cùng NĐT ngoại đảo chiều rút ròng hơn 500 tỷ đồng khỏi thị trường.

Trái ngược diễn biến phục hồi tích cực trước đó, sắc đỏ bao phủ hầu hết thời gian giao dịch trong phiên hôm qua (8/7). Áp lực bán chiếm ưu thế đã khiến VN-Index ghi nhận mức giảm hơn 13 điểm, đóng cửa ở mốc 1.374 điểm giảm 1% so với phiên trước đó.

Tác động chính ở chiều giảm điểm của VN-Index phải kể đến là NVL, VIC và VCB. Ba mã này đã lần lượt lấy đi 2,9 điểm, 2,8 điểm và 2,4 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, sắc xanh của MSN và MWG góp phần thu hẹp đà giảm của VN-Index với điểm số tác động lần lượt 1,2 điểm và 0,9 điểm.

Kết phiên, độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 148 mã tăng/204 mã giảm, ở rổ VN30 có 7 mã tăng, 21 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu.

Dòng tiền đầu tư suy yếu khi chỉ có 6/19 nhóm ngành vận động khả quan. Trong đó, hai ngành đóng góp lớn nhất vào thanh khoản thị trường là ngân hàng (7.310 tỷ đồng) và bất động sản (3.714) chìm trong sắc đỏ.

Khối tự doanh chuyển bán ròng hơn 250 tỷ đồng, tập trung xả HPG và nhóm ngân hàng

Thống kê giao dịch của khối tự doanh, hoạt động mua vào của nhóm này đạt 250,34 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra là 502,25 tỷ đồng. Theo đó, khối tự doanh bán ròng gần 251,91 tỷ đồng.

Top10 cổ phiếu thu hút dòng vốn tự doanh, dẫn đầu là chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với giá trị 63,4 tỷ đồng. Ngoài ra, khối này còn tập trung mua ròng SGT (21,4 tỷ đồng), PET (11,9 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ FUEVFVND (4,1 tỷ đồng), DXG (2,2 tỷ đồng) và DBC (1,1 tỷ đồng).

Các cổ phiếu phác như CII, HDG, PGD, DCM cũng thuộc Top mua ròng của khối này với giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Top10 mã chịu áp lực bán ròng từ tự doanh, HPG đạt giá trị cao nhất là 40,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh còn bán ròng VPB và TCB lần lượt 34 tỷ đồng và 30,3 tỷ đồng.

Theo sau đó, hai mã MSN và VHM lần lượt bị khối tự doanh thoái ròng 25,2 tỷ đồng và 23,6 tỷ đồng. Dòng vốn của nhóm này còn rút khỏi các cổ phiếu khác như VNM (22,9 tỷ đồng), STB (19,8 tỷ đồng), MBB (18 tỷ đồng), FPT (17,9 tỷ đồng) và VIC (17,6 tỷ đồng)

Dòng tiền thông minh 9/7: Tự doanh chuyển bán ròng phiên điều chỉnh, tập trung xả HPG và nhóm ngân hàng - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Khối ngoại bán ròng trở lại, tập trung rút vốn khỏi NVL

Trong phiên thị trường điều chỉnh, khối ngoại quay lại chiều bán ròng hơn 257 tỷ đồng trên toàn thị trường, nổi bật là giao dịch xả hơn 625 tỷ cổ phiếu NVL khiến mã này giảm kịch sàn.

Cụ thể, tại sàn HOSE, khối ngoại quay lại chiều bán ròng với 238,5 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng 660.400 đơn vị. Khối ngoại bất ngờ chốt lời NVL khiến cổ phiếu này dẫn đầu chiều bán ròng với giá trị xả khủng 625,6 tỷ đồng, tương đương 5,6 triệu đơn vị.

Theo sau, dòng tiền ngoại tiếp tục rút khỏi CTG (98,5 tỷ đồng), VPB (52,4 tỷ đồng), VCB (30,3 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (67,1 tỷ đồng). Một số cổ phiếu khác cùng chiều bán ròng như VRE (41,2 tỷ đồng), SSI (35 tỷ đồng), HCM (20,4 tỷ đồng), VCI (19,9 tỷ đồng) và BVH (19,1 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, các mã thu hút dòng tiền nhà đầu tư ngoại là VHM (173,3 tỷ đồng), HPG (115,7 tỷ đồng), MBB (110,2 tỷ đồng), GEX (102,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại tiếp tục tìm đến các cổ phiếu trong rổ VN30, lần lượt là MSN (83,1 tỷ đồng), STB (46,3 tỷ đồng), GAS (44,4 tỷ đồng), HDB (39,3 tỷ đồng), KDH (37,4 tỷ đồng), DXG (36,3 tỷ đồng).

Giao dịch trên sàn HNX diễn biến cùng chiều với giá trị rút ròng 20 tỷ đồng, tương đương khối lượng 698.039 cổ phiếu.

Về giá trị cụ thể, lực xả tại VND có sự hạ nhiệt sau nhiều phiên bán ròng liên tiếp, ghi nhận giá trị rút ròng 43,4 tỷ đồng trong phiên. PAN cũng bị xả ròng 2,1 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại nối tiếp đà bán ròng tại ACM (833 triệu đồng), BII (791 triệu đồng), KLF (314 triệu đồng), VCS (261 triệu đồng), PVS (174 triệu đồng)...

Ở chiều giao dịch mua, MBS và THD đứng Top mua ròng với 9,6 tỷ đồng và 8,9 tỷ đồng. Hai cổ phiếu BSI (4,7 tỷ đồng) và BVS (2,3 tỷ đồng) là hai cái tên còn lại với giá trị vào ròng tỷ đồng trong phiên. Một số cổ phiếu SHB, PCG, SHS, NDN... cũng được mua ròng nhẹ trong phiên.

Tại thị trường UPCoM, các NĐT nước ngoài chuyển mua ròng nhẹ 1,3 tỷ đồng. Trong đó, lực mua tại cổ phiếu ACV tăng gần 100% so với phiên trước, với giá trị hơn 11 tỷ đồng. Đây là mã duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 1 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Dòng tiền ngoại cũng mua ròng SIP (809 triệu đồng), MCH (766 triệu đồng), VTP (717 triệu đồng), VNA (426 triệu đồng), theo sau là BVB, NHT, TCW, HAN...

Ngược lại, dòng tiền tiếp tục rút mạnh khỏi VEA (7,9 tỷ đồng). QNS theo sau khi bị bán ròng khiêm tốn hơn với 1,5 tỷ đồng. Hai cổ phiếu MML và CTR cùng ghi nhận giá trị rút ròng trên 800 triệu đồng. Các mã ghi nhận giao dịch cùng chiều là HC3, ABI, VLB, IFS, BSR...

Người nhà CEO Chứng khoán Apec đăng ký bán sạch 1,9 triệu cổ phần

Thống kê thông tin giao dịch của nội bộ doanh nghiệp trên ba sàn phiên vừa qua, một số đăng ký giao dịch đáng chú ý liên quan đến các cổ phiếu VNM, APS, DNY, PPE, TTZ.

Trong đó, bà Đặng Thanh Tú, người có liên quan đến ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec - Mã: APS) đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,9 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,89% vốn điều lệ.

Nếu giao dịch thành công, bà Tú sẽ không còn là cổ đông của Chứng khoán Apec. Về phần ông Đỗ Lăng vẫn nắm giữ 5,44 triệu cổ phần APS, tỷ lệ sở hữu tương ứng 13,94% vốn điều lệ.

Thu Thảo