|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (9/3): VN-Index giữ mốc 1.160 điểm, HNX-Index ngược dòng tăng

15:00 | 09/03/2021
Chia sẻ
Toàn bộ thời gian giao dịch hôm nay, VN-Index chìm trong sắc đỏ do tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30.

Kết phiên, VN-Index giảm 6,3 điểm (0,54%) xuống 1.161,97 điểm, HNX-Index tăng 0,54% lên 264,83 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15% lên 79,54 điểm.

Thị trường tiếp tục giữ trạng thái tiêu cực cho đến cuối phiên. Sắc đỏ bao phủ các chỉ số của sàn HOSE. Về độ rộng, sàn này có 266 mã giảm giá, áp đảo so với 187 mã tăng giá và 59 mã đứng giá tham chiếu. Tương tự, rổ VN30 có 22 mã giảm giá, trong khi chỉ có 7 mã tăng giá và 1 mã đứng giá tham chiếu.

Đi ngược thị trường, cổ phiếu nhóm xi măng đồng loạt tăng mạnh phiên hôm nay. Nhiều mã trong nhóm này tăng kịch trần như HT1, BCC, BTS, HOM. Tương tự, các mã nhóm xây dựng cũng giao dịch khởi sắc như HBC, IJC, FCN, CTD, PC1, TDC. 

Thanh khoản thị trường phiên hôm nay sụt giảm so với trước đó. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 883 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 18.748 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE hôm nay đạt 13.864 tỷ đồng.

Tính đến 13h55, VN-Index giảm 6,72 điểm (0,58%) xuống 1.161,29 điểm, HNX-Index tăng 0,75% lên 265,4 điểm, UPCoM-Index tăng 0,01% lên 79,43 điểm.

Thị trường tiếp tục diễn biến trái chiều khi HNX-Index giữ trạng thái tích cực trong khi VN-Index giảm sâu hơn cuối phiên sáng do tác động từ các mã vốn hóa lớn trong rổ VN30.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 5,49 điểm (0,47%) xuống 1.162,78 điểm, HNX-Index tăng 0,75% lên 265,39 điểm, UPCoM-Index tăng 0,14% lên 79,53 điểm.

Lực cầu gia tăng cuối phiên sáng giúp VN-Index hồi phục mạnh. Từ chỗ giảm 16 điểm, VN-Index thu hẹp đà giảm còn hơn 5 điểm. Giao dịch kém khởi sắc của các mã trong VN30 vẫn là tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu.

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa trong phiên sáng nay. Cổ phiếu BAB tăng kịch trần lên 30.200 đồng/cp. Những mã khác tăng giá mạnh có SGB, ABB, OCB, KLB với tỷ lệ trên 5%. Nhóm giao dịch trên mốc tham chiếu còn có BVB, NAB, VPB, ACB. Chiều ngược lại, BID, PGB giảm giá trên 1%.

Cổ phiếu thép diễn biến phân hóa sáng nay. Cổ phiếu TVN dẫn đầu trong nhóm với tỷ lệ tăng 8,8% lên 16.000 đồng/cp. Hai mã khác tăng giá trên 1% là NKG và SMC. Chiều ngược lại, HPG, VGS, HSG giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Ngược chiều thị trường, cổ phiếu nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá mạnh. Các mã tăng giá trên 3% có HBC, CTD, FCN, HT1, BCC, PC1, C4G, LIG, HOM, SD4.

Về thanh khoản thị trường, tổng khối lượng giao dịch phiên sáng nay đạt hơn 671,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 13.911 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 10.940 tỷ đồng.

Tính đến 10h30, VN-Index giảm 15,86 điểm (1,36%) xuống 1.152,41 điểm, HNX-Index tăng 0,27% lên 264,05 điểm, UPCoM-Index giảm 0,06% xuống 79,36 điểm.

Sau khi hồi phục nhẹ, thị trường tiếp tục giảm trở lại do áp lực bán từ các mã vốn hóa lớn. Theo ghi nhận, các cổ phiếu tác động lớn nhất đến đà giảm của VN-Index có VCB, VIC, VHM, đây là ba mã có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 12,36 điểm (1,06%) xuongs 1.155,91 điểm, HNX-Index tăng 0,62% lên 264,99 điểm, UPCoM-Index giảm 0,16% xuống 79,29 điểm.

Thị trường giảm điểm ngay đầu phiên do tác động tiêu cực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Ghi nhận thời điểm hiện tại, tất cả cổ phiếu trong rổ VN30 đều giảm giá. Sắc đỏ bao phủ trên sàn HOSE với 318 mã giảm giá, áp đảo 91 mã tăng giá.

Cổ phiếu nhóm dầu khí đồng loạt điều chỉnh sau những phiên giao dịch hưng phấn. Các mã trong nhóm này giảm trên 2% có PVD, PVS, BSR, OIL. Giao dịch kém tích cực của các mã nhóm dầu khí chịu tác động từ diễn biến giá dầu thế giới. 

Giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên sáng nay, với dầu thô Brent giảm xuống mức 70 USD/thùng sau khi các vụ tấn công vào cơ sở khai thác dầu của Arab Saudi đã kéo giá trở lại mốc cao này.

Đáng chú ý, giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam sáng nay đi ngược xu hướng quốc tế. Chứng khoán Mỹ ngày 8/3 diễn biến phân hóa rõ rệt. Các cổ phiếu thuận chu kỳ kinh tế đồng loạt thăng hoa sau tin Thượng viện phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế 1.900 tỷ USD. Ngược lại, cổ phiếu công nghệ cắm đầu lao dốc, đẩy chỉ số Nasdaq vào vùng điều chỉnh.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bật tăng 306 điểm, tương đương 1%, đóng cửa ở 31.802 điểm. Ở đỉnh của phiên, chỉ số gồm 30 bluechip này vọt lên 650 điểm và thiết lập kỷ lục trong ngày (intraday).

Hoàng Linh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.