|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (6/5): Lao dốc cuối phiên, nhóm chứng khoán giảm sàn hàng loạt, VN-Index bay hơn 31 điểm

15:00 | 06/05/2022
Chia sẻ
VN-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều với sự lao dốc của nhóm vốn hóa lớn. Thị trường chưa tìm được điểm cân bằng khi các ngành kinh doanh đồng loạt giảm điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 31,42 điểm (2,31%) còn 1.329,26 điểm, HNX-Index giảm 15,29 điểm (4,26%) đạt 343,46 điểm, UPCoM-Index giảm 1,94 điểm (1,87%) về 101,88 điểm.

 Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên 6/5. (Nguồn: VNDirect).

VN-Index đóng cửa tại mốc gần như thấp nhất trong ngày hình thành nên một cây nến đỏ đặc. Đáng nói, VN-Index gần như không xuất hiện lực cầu vào trong phiên chiều. Áp lực bán cứ thế dâng cao và cứ thế kéo chỉ số chính sàn HOSE bốc hơi hơn 31 điểm khi đóng cửa.

Sàn HOSE đỏ rực với 394 mã giảm, trong đó có tới 46 mã giảm sàn. Theo quan sát, nhiều các mã nằm sàn đến từ nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán.

Nhóm ngân hàng là tác nhân chính gây ra cú chỉnh sâu của thị trường hôm nay. Sau phiên nâng đỡ, cổ phiếu của các nhà băng bất ngờ bị bán mạnh trong phiên hôm nay, đặc biệt là vào thời điểm cuối phiên. Ngoại trừ KLB giữ được sắc xanh, các mã còn lại đồng loạt điều chỉnh, trong đó SHB, OCB, STB, LPB, HDB, VPB, NAB, MBB, VAB, CTG, BID, ABB mất hơn 3%.

Thanh khoản được đẩy lên cao với tổng giá trị giao dịch đạt 19.284 tỷ đồng, tương đương hơn 691 triệu đơn vị cổ phiếu được mua - bán. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng gần 10,7% so với phiên trước đó. 

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 18,01 điểm (1,32%) còn 1.342,67 điểm, VN30-Index giảm 20,19 điểm (1,44%) xuống 1.384,69 điểm.

VN-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều với sự lao dốc của nhóm vốn hóa lớn. Thị trường chưa tìm được điểm cân bằng khi các ngành kinh doanh đồng loạt giảm điểm.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 15,6 điểm (1,15%) còn 1.345,08 điểm, HNX-Index giảm 7,05 điểm (1,97%) về 351,7 điểm, UPCoM-Index giảm 1,65 điểm (1,59%) xuống 102,17 điểm.

 Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 6/5. (Nguồn: VNDirect).

Áp lực bán có phần thu hẹp cuối phiên giúp thị trường thu hẹp đà giảm, VN-Index kết phiên sáng mất gần 16 điểm. Tại sàn HOSE, rổ VN30 ghi nhận số mã đỏ áp đảo với 25 cổ phiếu, trong khi có 4 mã tăng và 1 mã giữ giá không đổi.

Theo quan sát, BCM là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường khi lấy đi gần 1 điểm của VN-Index. Kết phiên thị giá cổ phiếu của Becamex giảm 4,3% còn 82.300 đồng/cp. Tương tự, các mã trụ như BID, VNM, VPB, VHM, MSN cũng là những lực cản mạnh của thị trường.

Chiều ngược lại, HPG, BVH, REE, VHC, HSG,... đóng vai trò nâng đỡ. Dù vậy, giao dịch tích cực của nhóm này vẫn không đủ sức để vực dậy thị trường.

Thanh khoản thị trường có phần cải thiện so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch phiên sáng nay đạt gần 9.577 tỷ đồng, tương đương gần 346 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE đạt 8.393 tỷ đồng, tăng 12,5 % so với phiên hôm qua. 

Tính đến 10h40, VN-Index giảm 19,11 điểm (1,4%) xuống 1.341,57 điểm, VN30-Index giảm 19,95 điểm (1,42%) về 1.384,93 điểm.

Thị trường phiên sáng tiếp tục biến động quanh vùng 1.340 điểm. Áp lực bán nhìn chung vẫn đang chi phối thị trường, điểm sáng len lỏi ở một số ngành như bảo hiểm, thép, vận tải,...

Tính đến 9h20, VN-Index giảm 21,97 điểm (1,61%) còn 1.338,71 điểm, HNX-Index giảm 6,93 điểm (1,93%) về 351,82 điểm, UPCoM-Index giảm 1,24 điểm (1,19%) về 102,58 điểm.

Thị trường chứng khoán phiên hôm qua đã có nhịp hồi phục nhưng lực kéo chủ yếu đến từ nhóm bluechips. Áp lực bán từ nhóm midcap vẫn cao, kèm theo những hiệu ứng kém sắc từ thị trường chứng khoán thế giới, đầu phiên nay đã xuất hiện cú lao dốc khi VN-Index giảm gần 27 điểm khi mở cửa. 

Lực bán lan rộng khi chỉ có 19 mã xanh trong khi có tới 291 mã giảm, tuy nhiên chỉ có 3 mã giảm sàn. Điều này cho thấy lực cung dàn trải nhưng áp lực bán tháo không xảy ra. Theo quan sát, nhóm vốn hóa lớn đang khá tiêu cực với toàn bộ 30 mã chìm sâu trong sắc đỏ. Nỗ lực gồng đỡ đang thuộc về SGT, TNC, LBM, COM, DVP,... nhưng không đáng kể.

Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 5/5 cắm đầu lao dốc, xóa sạch đà tăng nóng của phiên trước đó. Dow Jones và Nasdaq cùng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 1.063 điểm, tương đương 3,12%, và đóng cửa ở gần 32.998 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 5% và kết phiên ở gần 12.318 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Chỉ số S&P 500 mất 3,56% và ghi nhận phiên giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm nay. Theo CNBC, 5/5/2022 là phiên giảm sâu nhất của cả Dow Jones và Nasdaq kể từ cuối năm 2020. Thống kê bên dưới cho thấy lần gần đây nhất Nasdaq biến động gần 5% trong một phiên là ngày 3/9/2020.

Thu Thảo

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.