Thị trường chứng khoán (31/10): Nhóm ngân hàng, chứng khoán bứt tốc, VN-Index xanh nhẹ cuối phiên
Đóng cửa, VN-Index tăng 0,58 điểm (0,06%) lên 1.027,94 điểm, HNX-Index giảm 3,31 điểm (1,55%) còn 210,43 điểm, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,26%) đạt 76,29 điểm.
Thị trường cuối phiên chứng kiến pha lội ngược dòng ngoạn mục của nhóm vốn hóa lớn. VCB duy trì vai trò là lực đỡ lớn nhất thị trường, kế đó là sự đảo chiều của trụ GAS. Theo quan sát, cú hích từ vốn hóa vừa và nhỏ giúp cổ phiếu lớn trong rổ VN30 kịp lấy lại sắc xanh khi đóng cửa.
Giao dịch khối ngoại tích cực hơn khi họ đảo chiều mua ròng gần 230 tỷ đồng trên HOSE. Về thanh khoản, dòng tiền bắt đáy chủ động gia nhập giúp giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 9.845 tỷ đồng, tăng 13,5% so với phiên liền trước. Tính chung toàn thị trường thanh khoản đạt 12.541 tỷ đồng.
VN-Index đóng cửa ở mốc 1.027,94 điểm, tăng 0,58 điểm tương ứng 0,06% với thanh khoản cao hơn phiên giao dịch hôm trước. VN-Index trong phiên đã có lúc giảm hơn 20 điểm xuống mốc 1.005, tuy nhiên về gần cuối phiên, lực cầu bắt đáy đã giúp chỉ số chính rút chân khá tốt và đóng cửa xanh.
Tuy nhiên lực hồi không được đồng thuận, hồi phục chủ yếu là dòng ngân hàng và chứng khoán, trong khi dòng thép vẫn có tới 5 mã đóng sàn. Việc tạo thành cây nến rút chân với khối lượng giao dịch cải thiện là điểm khá tích cực cho chỉ số chung, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần tiếp tục theo dõi các diễn biến tiếp theo của thị trường để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 8,09 điểm (0,79%) còn 1.019,27 điểm, VN30-Index giảm 13,1 điểm (1,27%) về 1.016,39 điểm.
Thị trường phiên chiều đang gặp áp lực giảm điểm rất lớn từ nhóm cổ phiếu VN30. Thanh khoản hôm nay cũng tương đương với thanh khoản phiên thứ Sáu tuần trước. Chiều nay lượng hàng trong phiên tăng điểm mạnh về tài khoản nhà đầu tư, do đó thị trường phần nào đó chịu ảnh hưởng bởi tâm lý chốt lời, trong trường hợp hàng T+ về không có lãi cũng dẫn tới áp lực bán ra.
VN-Index chỉ thu hẹp đà giảm khi chỉ số chạm xuống vùng 1.005 điểm. Theo quan sát, dòng tiền có dấu hiệu vào nhóm bất động sản và chứng khoán khi nhiều cổ phiếu các ngành này rơi sâu.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 13 điểm (1,27%) xuống 1.014,36 điểm, HNX-Index giảm 3,07 điểm (1,44%) về 210,66 điểm, UPCoM-Index giảm 0,56 điểm (0,74%) còn 75,53 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với 188 mã tăng, 621 mã giảm và 136 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch khoảng 339 triệu đơn vị, tương ứng hơn 5.500 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 4.256 tỷ đồng.
Sắc đỏ tiếp tục bao trùm thị trường vào cuối phiên sáng, nhóm bất động sản, xây dựng chịu áp lực bán tăng mạnh khiến DIG, KBC, NVL, TDC, ACC,... đóng cửa giảm sàn. Tương tự, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp thép đồng loạt dư bán giá sàn, điển hỉnh như HPG, HSG, NKG, TNA.
Nhóm ngân hàng cũng đuối sức về cuối phiên với chỉ số giá toàn ngành chuyển đỏ, tuy nhiên ông lớn VCB vẫn đang nỗ lực gồng gánh chỉ số, riêng mã này góp hơn 2 điểm cho VN-Index. Tương tự, một vài cổ phiếu nhà băng cũng duy trì sắc xanh khi dừng phiên sáng như SHB (+1,4%), BID (+0,9%), LPB (+0,9%), BAB (+0,7%),...
Liên quan đến giao dịch của NĐT nước ngoài, khối ngoại đảo chiều mua ròng hơn 193 tỷ đồng trên HOSE, tâm điểm FUESSVFL (248 tỷ đồng), KDH (105 tỷ đồng), MSN (29,3 tỷ đồng),... Chiều ngược lại, HPG vẫn là tâm điểm bán ròng của khối ngoại với giá trị hơn 174 tỷ đồng.
Tính đến 11h00, VN-Index giảm 9,47 điểm (0,92%) xuống 1.017,89 điểm, VN30-Index giảm 13,89 điểm (1,35%) về 1.015,6 điểm.
VN-Index tiếp đà điều chỉnh về giữa phiên sáng. Về mặt kỹ thuật, thị trường đang có dấu hiệu điều chỉnh theo khi gặp MA20 ở khung D nên việc lùi lại lấy đà là cần thiết.
Sắc đỏ bao phủ lên hầu hết các nhóm ngành với áp lực điều chỉnh chủ yếu đến từ nhóm bất độn sản, thép và bán lẻ. Chiều ngược lại thì nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò nâng đỡ.
Tính đến 9h50, VN-Index giảm 0,97 điểm (0,09%) về 1.026,39 điểm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (0,08%) lên 213,9 điểm, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (0,54%) đạt 76,5 điểm.
Thị trường chứng khoán phiên cuối tháng 10 mở cửa xanh nhẹ, tuy nhiên sau đó VN-Index liên tục giằng co thể hiện ở các nhịp trồi sụt quanh tham chiếu.
Theo quan sát, nhiều cổ phiếu nhóm thép giảm sàn ngay trong phiên ATO điển hình như TNA, POM, HPG, HSG và NLG. Động thái bán mạnh cổ phiếu thép diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành này khi nhận kết quả kinh doanh kém sắc.
Từ các tập đoàn lớn như Hòa Phát, Nam Kim tới nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn đều báo lỗ trong quý III/2022 khi giá thép sa sút, chi phí đầu vào lên cao, VND mất giá làm tăng lỗ tỷ giá, …
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ đồng loạt đi lên trong phiên 28/10 khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô cho thấy lạm phát đã có dấu hiệu chậm lại và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu mạnh.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 829 điểm, tương đương 2,59%, và đóng cửa ở sát 32.862 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,46% và lấy lại mốc 3.900 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,87% và đóng cửa ở trên 11.100 điểm.