Thị trường chứng khoán (29/8): Kéo mạnh cuối phiên, VN-Index chỉ còn giảm gần 12 điểm, nhóm dầu khí, phân bón lội ngược dòng
Đóng cửa, VN-Index giảm 11,77 điểm (0,92%) còn 1.270,8 điểm, HNX-Index giảm 3,96 điểm (1,32%) về 295,54 điểm, UPCoM-Index giảm 1,31 điểm (1,41%) xuống 91,57 điểm.
Thị trường đỏ lửa trong phiên giao dịch hôm nay và có thời điểm đánh mất mốc 1.250. Nhờ lực cầu bắt đáy tích cực nhập cuộc cùng đà bán ở các nhóm cổ phiếu chững lại giúp VN-Index rút chân và chỉ còn giảm gần 12 điểm khi đóng cửa.
Bất động sản là nhóm tiêu cực nhất thị trường với mức ảnh hưởng giảm gần 4,6 điểm. Các cổ phiếu chỉnh sâu và gây áp lực lên Index có VIC, VHM, NVL, GVR, PDR,... Kế đến, nhóm cổ phiếu vua cũng là một trong hai tác nhân chính khiến thị trường giảm mạnh. Trong đó, tính đến hết phiên vẫn có tới 25/27 mã đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu.
Tuy nhiên, với xu hướng phân hóa mạnh của thị trường chung, một số cổ phiếu tăng trần như HOT, KPF, PTL, PVD, SKG, ASP, CIG, DCM, PDN, nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ giữ được sắc xanh tới cuối phiên như DPM, HAX, PET, BFC, CSV, TDC, PAN, HDC,...
Sàn HOSE hôm nay có 399 mã giảm giá (trong đó có 13 mã nằm sàn), áp đảo so với 73 mã tăng giá và 34 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường tăng nhanh trong phiên chiều, đặc biệt sau khi VN-Index giảm dưới ngưỡng 1.250 điểm.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 24.351 tỷ đồng, tăng 30% so với phiên trước đó. Giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE hôm nay đạt trên 18.800 tỷ đồng. Liên quan đến giao dịch khối ngoại, nhóm này duy trì vị thế bán ròng hơn 370 tỷ đồng trên HOSE với tâm điểm là TLG (101,8 tỷ đồng), DGC (54,3 tỷ đồng),...
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 18,81 điểm (1,47%) còn 1.263,76 điểm, VN30-Index giảm 18,51 điểm (1,43%) về 1.288,3 điểm.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 30,3 điểm (2,36%) còn 1.252,27 điểm, HNX-Index giảm 9,11 điểm (3,04%) xuống 290,39 điểm, UPCoM-Index giảm 2 điểm (2,15%) xuống 90,88 điểm.
Thị trường diễn biến tiêu cực hơn về cuối phiên sáng với sự lao dốc của tất cả các nhóm cổ phiếu. Nhóm VN30 không còn mã nào giữ được sắc xanh, trong đó MSN là cổ phiếu duy nhất đứng giá tham chiếu, 29 mã còn lại dừng trong sắc đỏ. Điển hình như SSI, POW, PDR, STB, TPB, GVR, PLX, HPG, VRE, HDB đồng loạt giảm mạnh, đánh mất trên 3% thị giá.
Mặc dù đà bán chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường vẫn chưa rơi vào cảnh bán tháo khi chỉ có 21 mã giảm sàn. Theo quan sát, cổ phiếu ngân hàng là nhóm diễn biến tiêu cực nhất trên thị trường trong phiên sáng nay. Kết phiên sáng nay, ngoài SGB đứng yên, 26/27 mã còn lại đồng loạt giảm điểm.
Đà giảm cũng lan sang nhiều ngành kinh doanh khác như bất động sản, chứng khoán, xây dựng & vật liệu, bán lẻ,... Ngược dòng thị trường, các cổ phiếu phân bón đang thu hút dòng tiền khá tốt, với nhiều mã tăng điểm như DCM, DPM, BFC.
Tính đến 11h00, VN-Index giảm 27,62 điểm (2,15%) còn 1.254,95 điểm, VN30-Index giảm 27,02 điểm (2,07%) về 1.279,79 điểm.
Áp lực bán xuất hiện trên diện rộng khiến VN-Index lần lượt rơi về các vùng hỗ trợ thấp hơn. Hiện chỉ số chính sàn HOSE đã giảm gần 28 điểm với thanh khoản tăng cao. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt gần 9.400 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với phiên thứ Sáu tuần trước.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 17,44 điểm (1,36%) còn 1.265,13 điểm, HNX-Index giảm 5,08 điểm (1,69%) về 294,42 điểm, UPCoM-Index giảm 1,09 điểm (1,17%) về 91,79 điểm.
Đầu phiên thị trường chứng khoán trong nước giảm điểm khá mạnh do hiệu ứng từ Dow Jones hôm thứ Sáu tuần trước. Theo dự báo trước đó của công ty chứng khoán, đây vẫn chỉ là những pha rung lắc trước mốc kháng cự 1.300. Hỗ trợ của thị trường sẽ là vùng 1.250 - 1.260, nhà đầu tư cần sát vùng này để hành động.
Thị trường giảm đều vào đầu phiên, duy chỉ có nhóm đạm là tăng giá và dẫn dắt thị trường. Ngoài VAF đang giảm kịch sàn, cắc mã còn lại thuộc dòng phân đều ghi nhận tăng giá. Tiêu biểu có BFC tăng 4,8% lên 27.100 đồng/cp, DPM (+3,5%), DCM (+3%), SFG (+1,8%), LAS (+1,4%),..
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 26/8 cắm đầu giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tuyên bố tại hội nghị Jackson Hole rằng Fed sẽ tiếp tục hành động mạnh mẽ để chống lạm phát, bất chấp những tổn hại về kinh tế.