Góc nhìn đầu tư: NĐT cần chuẩn bị kịch bản khi thị trường bất chợt 'trở trời'
Trong giai đoạn thị trường đang trong chuỗi ngày tương đối thăng hoa, mặc dù có những nhịp chỉnh nhẹ nhưng không gây đủ sức ảnh hưởng khiến cho thị trường giảm mạnh mà thậm chí còn giúp thị trường tăng tiến. Nhiều chuyên gia nhận định rằng hiện tại thị trường đang ở vùng tương đối nhạy cảm vì trần tăng của đợt hồi phục này chỉ chạm mốc 1.300.
Chia sẻ trong chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Đàm Thanh Hiệp, nhà sáng lập New World Group cho rằng không chỉ thị trường Việt Nam mà thị trường chứng khoán Mỹ hay trên thế giới cũng đang đón nhận những dấu hiệu tích cực. Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường, những nhịp điều chỉnh như giai đoạn vừa rồi chưa tạo đủ áp lực để cho dòng tiền tiếp tục đi vào.
Tuy nhiên, nhà đầu tư thường có cảm giác dễ bị “FOMO” theo thị trường chứng khoán. Đây là một hiệu ứng tâm lý khiến nhà đầu tư cảm thấy bị bỏ lỡ cơ hội khi không chạy theo đám đông. Bởi nhiều người hy vọng mã cổ phiếu của họ sẽ ở trong những đợt hồi phục của thị trường chung VN-Index. Dựa trên những công nghệ thuật toán, dòng tiền đổ vào đi kèm với xu hướng tăng liên tiếp trong những phiên vừa qua, ông Hiệp nhận định rằng VN-Index hoàn toàn có thể đạt mức trên 1.300 cụ thể là 1.337.
Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền từ thị trường Việt Nam là nhóm ngành chứng khoán khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào câu chuyện rút ngắn chu kỳ thanh toán T+ bắt đầu từ ngày 29/8.
Đón nhận thông tin này, trước đây khoảng 1 tháng thị trường đã có phản ứng, nhiều mã cổ phiếu chứng khoán về vùng định giá hấp dẫn khi chỉ số P/B bằng 1 và sau đó tăng trưởng. Khi càng đến gần thời điểm ngày 29/8, nhiều nhà đầu tư có băn khoăn liệu dòng tiền có tiếp tục chọn nhóm ngành chứng khoán hay sẽ bắt đầu chảy ra?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia nhận định rằng thực ra nhiều mã cổ phiếu chứng khoán như SSI đã tăng theo đợt phục hồi của VN-Index từ phiên 28/7 chứ thực ra không hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin rút ngắn chu kỳ thanh toán T+.
Ở góc nhìn cá nhân, ông Hiệp cho rằng nhà đầu tư không nên vào những mã cổ phiếu chứng khoán và cân nhắc chốt khi đã ra lợi nhuận bởi nhóm cổ phiếu này đã có đợt tăng liên tục trong thời gian vừa qua và chờ đợi những đợt điều chỉnh lớn trong thời gian tiếp theo.
Khi thị trường chung tăng trưởng thì nhà đầu tư nên chú ý dòng tiền tách thành mấy phần và những mã cổ phiếu mà dòng tiền chưa đẩy vào bởi tất cả các quỹ tổ chức đều đã lên kế hoạch và chiến lược cho nhóm cổ phiếu này.
Ngoài ra, ông Hiệp cho rằng việc những chính sách thay đổi mới thay vì chốt lệnh theo T+3 mà có thể hành động theo T+2 là rất tốt nhưng ông hy vọng rằng thị trường Việt Nam sẽ có sự tương đồng như thị trường quốc tế khi chốt lệnh theo T+0. Việc đầu tiên trong giao dịch và đầu tư là “quản trị rủi ro” vì nhiều nhà đầu tư có tâm lý đi theo xu hướng đi theo đám đông rất nhiều và nếu thị trường có sự điều chỉnh thì họ lập tức sẽ bị “kẹt hàng”.
Khi sự kiểm soát thị trường của Việt Nam ở đẳng cấp quốc tế thì đương nhiên câu chuyện đặt lệnh T+0 là cần phải có. Còn ở góc độ T+2 thì thị trường Việt Nam nên đi từ từ và chậm rãi và một khi T+2 có dấu hiệu tích cực thì tính thanh khoản đồng thời độ hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế sẽ tăng lên.