|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT đảo chiều mua ròng hơn 3.200 tỷ đồng tuần VN-Index vượt 1.280 điểm, gom mạnh nhất mã MWG

20:30 | 28/08/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường giao dịch khởi sắc, NĐT cá nhân bất ngờ đảo chiều mua ròng 3.214 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh thì cá nhân trong nước gom ròng 1.824 tỷ đồng.

VN-Index tăng điểm khá bất ngờ trong tuần này và dễ dàng vượt qua mốc 1.280 điểm, với đà tăng diễn ra chủ yếu trong tuần. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đóng vai trò dẫn dắt đà đi lên của chỉ số, điển hình là họ Vingroup và nhóm ngân hàng.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp khác thuộc rổ VN30 vẫn giữ vai trò “trụ cột” của thị trường và cũng có đóng góp đáng kể vào sắc xanh của chỉ số chung. Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc ngành dầu khí, phân bón cũng ghi nhận một tuần tăng giá khá ấn tượng với thanh khoản tốt dưới sự hỗ trợ từ đà tăng của giá dầu thế giới trong tuần.

Thanh khoản chung của thị trường cũng được cải thiện hơn so với trung bình các tuần trước và luôn duy trì ở quanh mức 16.000 nghìn tỷ đồng. Kết tuần, VN-Index tăng 13,39 điểm, tương đương 1,06% và đạt mức 1.282,57, trong khi đó HNX-Index tăng nhẹ hơn với 0,52% và đạt mức 299,5.

Tâm lý của nhà đầu tư nhìn chung đang ở trạng thái khá hưng phấn, thể hiện qua khối lượng giao dịch khớp lệnh trong phiên được cải thiện rõ rệt so với giai đoạn trước. Tuy nhiên nhìn dài hơn thì thị trường vẫn đang trong một nhịp hồi phục sau khi đã ghi nhận xu hướng lao dốc mạnh trong giai đoạn quý II năm nay, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ tại thời điểm hiện tại. 

Trong bối cảnh thị trường giao dịch khởi sắc, NĐT cá nhân bất ngờ đảo chiều mua ròng 3.214 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh thì cá nhân trong nước gom ròng 1.824 tỷ đồng. 

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Dòng tiền cá nhân chảy vào 14/18 nhóm ngành, tập trung gom cổ phiếu ngân hàng, BĐS, bán lẻ

Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, lực cầu gia tăng mạnh mẽ đưa cổ phiếu ngân hàng trở lại vị trí dẫn dắt dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, nhóm này được mua ròng hơn 559 tỷ đồng, dù tuần trước đó nhóm này bị rút ròng 1.060 tỷ đồng.

Bên cạnh nhóm tài nguyên cơ bản, giao dịch mua ròng tập trung tại nhóm cổ phiếu bất động sản, dịch vụ tài chính, bán lẻ với giá trị vào ròng lần lượt là 467 tỷ, 346 tỷ và 323 tỷ đồng.

Theo quan sát, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch theo tuần tăng mạnh lên 4,28%, mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số ngành tăng 9,32% và là ngành tăng điểm mạnh nhất thị trường trong tuần.

Tính từ đầu năm, đây là một trong hai nhóm ghi nhận tăng điểm, tăng 3,46% đứng sau nhóm công nghệ thông tin tăng 6,63%. 

Ngoài ra, dòng vốn từ các NĐT cá nhân còn chảy vào các nhóm tài nguyên cơ bản (217 tỷ đồng), hóa chất (142 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (104 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (99 tỷ đồng), bảo hiểm (69 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (58 tỷ đồng),..

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Chiều ngược lại, các cá nhân bán ròng mạnh nhất 591 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm và đồ uống với tâm điểm là giao dịch cổ phiếu VNM.

Ở thời điểm giá dầu thế giới liên tục phục hồi thì đây là dấu hiệu tích cực đến những mã cổ phiếu dầu khí, tuy nhiên sau một thời gian dài tăng giá thì dòng dầu khí đang gặp phải áp lực chốt lời đến từ nhóm NĐT cá nhân. Tuần qua, nhóm này bị bán ròng với quy mô gần trăm tỷ đồng.

Theo sau, dòng tiền cá nhân trong nước xả ròng lần lượt nhóm y tế , truyền thông với giá trị không đáng kể.

Tâm điểm mua ròng MWG, trong khi xả mạnh VNM đối ứng với lực cầu từ khối ngoại

Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động bất ngờ vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần 22 - 26/8.

Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng gần 297 tỷ đồng cổ phiếu MWG, đối ứng với lực xả từ tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán. MWG lần đầu tiên trong năm vươn lên trở thành cổ phiêu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong 1 tuần, với mức tăng 12,3% trong tuần cổ phiếu đã giúp VN-Index tăng 2,9 điểm.

Tuần qua, các cổ phiếu bán lẻ có giá trị giao dịch cao gồm MWG, FRT, PET, DGW, PSH trong đó có 4/5 mã tăng điểm trong tuần và 4/5 mã tăng điểm trong vòng 1 năm. Chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm bán lẻ đang bứt phá mạnh vượt lên trên mức trung bình 1 năm và mang giá trị dương, điều này cho thấy dòng tiền đã quay trở lại mạnh với nhóm này, đủ bù đắp cho lượng tiền rút ra trước đó.

Chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thị đang tịnh tiến về mức đỉnh 1 năm, cho thấy so với thị trường nhóm này thu hút được dòng tiền mạnh. Tuy nhiên, việc tiệm cận mức đỉnh 1 năm cũng có thể là một lực cản với dòng tiền.   

Tương tự, giao dịch gom ròng cũng tìm đến HPG và KBC với giá trị lần lượt là 196,3 tỷ và 164 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng vốn cá nhân gom nhẹ hơn mã SSI (141,8 tỷ đồng), VIC (138,8 tỷ đồng), đồng thời nhóm này mua ròng loạt cổ phiếu ngân hàng như TCB (136,7 tỷ đồng), STB (112,2 tỷ đồng), CTG (92,5 tỷ đồng), VCB (92,5 tỷ đồng).

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong khi đó, tại chiều bán, lực xả lớn nhất lại được ghi nhận tại đại diện VNM của nhóm thực phẩm & đồ uống với 460,2 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài, VNM tăng giá gần 3,8% và là mã đóng góp cho VN-Index với 0,5 điểm tăng.

 

Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu của Vinamilk, PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) cũng chịu lực xả ròng 139,7 tỷ đồng và được hấp thụ bởi các nhóm nhà đầu tư còn lại. Tương tự cổ phiếu SHB cũng nằm trong Top bán ròng với giá trị 94 tỷ đồng.

Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của MSN (93,2 tỷ đồng), VHC (87,7 tỷ đồng), SSB (81,4 tỷ đồng), GMD (44,5 tỷ đồng), FTS (34,5 tỷ đồng), REE (34,4 tỷ đồng) và HDG (31,1 tỷ đồng).

 

Thu Thảo