|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (26/11): Áp lực bán dâng cao, VN-Index mất gần 8 điểm

15:00 | 26/11/2021
Chia sẻ
Áp lực chốt lời dâng cao có thời điểm khiến VN-Index mất hơn 12 điểm nhưng chỉ số đã kịp thời hồi phục và chỉ còn giảm gần 8 điểm lúc đóng cửa. Tâm lý giao dịch cũng kém tích cực hơn khi vốn hóa lớn đánh mất vai trò dẫn dắt và quay đầu giảm gần 6 điểm.

Kết phiên, VN-Index giảm 7,78 điểm (0,52%) còn 1.493,03 điểm, HNX-Index giảm 1,04 điểm (0,23%) còn 458,63 điểm, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (0,24%) còn 114,34 điểm.

Thị trường chứng khoán (26/11): Áp lực bán dâng cao, VN-Index mất gần 8 điểm - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên ngày 26/11. (Nguồn: VNDirect).

Áp lực chốt lời dâng cao có thời điểm khiến VN-Index mất hơn 12 điểm nhưng chỉ số đã kịp thời hồi phục và chỉ còn giảm gần 8 điểm lúc đóng cửa. Tâm lý giao dịch cũng kém tích cực hơn khi vốn hóa lớn đánh mất vai trò dẫn dắt và quay đầu giảm gần 6 điểm.

Thị trường phiên cuối tuần kết thúc trong sắc đỏ do lực bán tăng mạnh tại vùng cản 1.500 điểm, đặc biệt là áp lực chốt lời tại nhóm ngân hàng, dầu khí và chứng khoán.

Dù không đủ sức để níu lấy sắc xanh cho chỉ số, nhóm bất động sản vẫn là điểm sáng trong phiên hôm nay với mức đóng góp lớn nhất cho VN-Index. Ngoài trụ VIC kéo chỉ số, nhiều cổ phiếu nhóm này giao dịch khởi sắc như LDG tăng kịch trần, DIG (tăng 3,7%), ITA (+3,4%), PDR (+1,7%), HDG (+1,7%)...

Cổ phiếu ngành thép cũng có sự trở lại ấn tượng sau khi mức chiết khấu đủ hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư. Ngoại trừ HPG đóng cửa đỏ nhẹ, SMC và TLH tăng kịch trần, các mã còn lại có tỷ lệ tăng 1,8 - 5,2%. Tương tự, nhóm phân bón cũng giao dịch khởi sắc trở lại sau nhịp điều chỉnh.

Thanh khoản thị trường cải thiện đang kể trong phiên hôm nay với tổng giá trị giao dịch đạt gần 42.308 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt trên 25.415 tỷ đồng, tăng 11% so với phiên trước đó. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang xoay tua nâng đỡ chỉ số và chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường.

Giao dịch khối ngoại nhuốm màu ảm đạm khi lực bán chủ động tăng mạnh tại các nhịp rung lắc của thị trường chung. Tính trong toàn bộ phiên hôm nay thì khối này rút ròng gần 2.100 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, VPB dẫn đầu với giá trị xả ròng lên tới 565 tỷ đồng, theo sau là HPG bị bán ròng 140 tỷ đồng, VND (134 tỷ đồng), NLG (133,8 tỷ đồng).

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 3,48 điểm (0,23%) còn 1.497,33 điểm, VN30-Index giảm 0,24 điểm (0,02%) còn 1.572,22 điểm.

VN-Index liên tục rung lắc và chỉ số hiện đang nhúng xuống dưới ngưỡng tham chiếu do áp lực bán dâng cao tại nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy luôn kịp thời xuất hiện để nâng đỡ thị trường.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,29 điểm (0,29%) lên 1.505,1 điểm, HNX-Index giảm 1,09 điểm (0,24%) xuống 458,58 điểm, UPCoM-Index giảm 0,46 điểm (0,4%) còn 114,15 điểm.

Thị trường chứng khoán (26/11): Trụ VIC kéo thị trường, VN-Index chỉ còn tăng hơn 4 điểm do áp lực bán tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 26/11. (Nguồn: VNDirect).

Áp lực chốt lời mạnh từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về cuối phiên sáng.  Sau phiên tăng mạnh hôm qua, nhóm chứng khoán trở lại với áp lực điều chỉnh khiến thị trường chưa thể bứt phá. Riêng cổ phiếu của các công ty chứng khoán đã lấy đi gần 1 điểm của VN-Index.

Trái lại, trong số 10 mã tác động tích cực nhất lên VN-Index có tới 6 đại diện thuộc nhóm bất động sản, gồm VIC, NVL, DIG, VHM, PDR, BCM. Chiều ngược lại, MSN, VJC, CTG, GVR, GEX và PLX,... là các lực cản chính của thị trường phiên sáng nay.

Nhìn chung sắc đỏ đang chiếm ưu thế trên thị trường chung trong khi các ngành dẫn dắt như thép, ngân hàng, sản xuất thực phẩm vẫn duy trì đà tăng.

Phiên hôm nay cũng cho thấy sự cải thiện về mặt thanh khoản với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn là 23.636 tỷ đồng, tương đương gần 817 triệu cổ phiếu giao dịch. Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên HOSE là 20.134 tỷ đồng.

Liên quan đến giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài, họ duy trì bán ròng hơn 900 tỷ đồng trên HOSE bất chấp những tín hiệu khởi sắc của thị trường.

Tính đến 10h45, VN-Index tăng 9,05 điểm (0,6%) lên 1.509,86 điểm, HNX-Index tăng 0,79 điểm (0,17%) lên 460,46 điểm, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (0,11%) lên 114,74 điểm.

Lực cầu đang quay trở lại sau những phút giao dịch kém sôi động đầu giờ sáng. Tuy nhiên lực kéo chính của thị trường vẫn đang phụ thuộc vào VIC khi mã này đóng góp 1/2 điểm số tăng của VN-Index.

Nhóm bất động sản, ngân hàng, thép tiếp tục hút tiền trong khi cổ phiếu họ dầu khí chịu áp lực điều chỉnh.

Tính đến 9h45, VN-Index tăng 4,49 điểm (0,3%) còn 1.505,3 điểm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (0,11%) lên 460,16 điểm, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (0,09%) còn 114,5 điểm.

Thị trường chứng khoán mở cửa trong tâm lý giao dịch hưng phấn sau phiên VN-Index chinh phục thành công ngưỡng cản tâm lý tại 1.500 điểm. 

Theo quan sát, VN-Index liên tục đổi trụ kéo trong những phiên gần đây. Hôm nay đến lượt VIC kéo thị trường. Hiện cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đang là mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index với mức đóng góp gần 4 điểm. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng đóng góp tích cực vào đà tăng của chỉ số chính như NVL, DIG, PDR, DXG, GEX, HPX...

Cổ phiếu nhóm thép cũng có phiên giao dịch khởi sắc với loạt mã tăng như TVN (+3,5%), TLH (+3,2%), HSG (+2,1%), NKG +0,7%), HPG (+0,5%),...

Diễn biến tại thị trường quốc tế, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Lễ Tạ ơn, mọi sự chú ý đều tập trung vào thị trường châu Âu, khu vực đang chứng kiến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 và củng cố đồn đoán một số chính phủ sẽ phải áp dụng chính sách đóng cửa trong mùa mua sắm Giáng sinh.

Thu Thảo

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.