Thị trường chứng khoán (25/10): Cầu bắt đáy đẩy VN-Index đảo chiều tăng gần 12 điểm
Đóng cửa, VN-Index tăng 11,55 điểm (1,17%) lên 997,7 điểm, HNX-Index giảm 1,48 điểm (0,71%) về 208,02 điểm, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (0,26%) xuống 76,25 điểm.
Diễn biến thị trường khởi sắc hơn về cuối phiên chiều nay. Sắc xanh phủ khắp thị trường với giao dịch tích cực ở nhiều nhóm ngành. Về cuối phiên giao dịch, hàng loạt các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, thép, bán lẻ, bia & đồ uống, sản xuất thực phẩm bứt phá góp phần giúp các chỉ số biến động tích cực hơn. Dù vậy độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng về bên bán.
Theo thống kê, những mã tác động lớn nhất đến đà tăng của thị trường có VCB, CTG, BID, SAB, VNM và HPG, trong số này chỉ có CTG kết phiên trong sắc tím trần. Ở chiều ngược lại, những mã kéo tụt chỉ số có GVR, PLX, VIC, VGC, KBC.
Thanh khoản của thị trường cải thiện đáng kể với khối lượng 863,7 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 14.119 tỷ đồng, cao nhất trong 1 tháng trở lại đây. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 11.040 tỷ đồng.
Việc thanh khoản tăng một phần do lực bắt đáy của nhà đầu tư khi cổ phiếu về vùng chiết khấu hợp lý. Trong cuối phiên sáng và đầu phiên chiều, các nhóm ngành đồng thuận tăng điểm và nhiều mã cổ phiếu tăng trần hàng loạt, tuy nhiên đến cuối phiên thị trường đã hạ nhiệt rất nhiều, trụ lại đến cuối cùng chỉ còn một vài dòng nỗ lực nâng đỡ chỉ số như thép, hóa chất phân đạm, ngân hàng,...
Về mặt kỹ thuật, vùng điểm quanh 960 đã có nhịp hồi kỹ thuật như dự tính nhưng thị trường vẫn nhạy cảm và lực bán vẫn áp đảo nên đây mới là nhịp hồi kỹ thuật chứ chưa xác lập đáy, nhà đàu tư cần theo dõi thêm tín hiệu tạo đáy ngắn hạn.
Tính đến 13h45, VN-Index tăng 0,58 điểm (0,06%) lên 986,73 điểm, VN30-Index tăng 5,48 (0,56%) đạt 979,36 điểm.
Sang đến phiên chiều, áp lực bán nhanh chóng khiến đà hồi phục thu hẹp và chỉ số dần tìm về vùng hỗ trợ. Lực cầu bắt đáy tiếp tục nâng đỡ do đó thanh khoản phiên chiều nay tăng khá mạnh. Mốc 1.000 sau khi bị đánh thủng thì trở thành kháng cự trong nỗ lực hồi phục của thị trường.
Thị trường gặp áp lực cuối phiên, hiện tại có cải thiện về mặt thanh khoản tuy nhiên chưa xác nhận tạo đáy thành công.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 11,55 điểm (1,17%) lên 997,7 điểm, HNX-Index giảm 0,25 điểm (0,12%) về 209,26 điểm, UPCoM-Index giảm 0,29 điểm (0,37%) còn 76,16 điểm.
Thị trường phiên sáng nay cho thấy những nỗ lực hồi phục đầu tiên sau 4 phiên giảm mạnh. Thị trường phân hóa nhưng độ rộng nhìn chung vẫn nghiêng về bên bán với 177 mã tăng và 247 mã giảm.
Sáng nay là một phiên hồi phục của thị trường tuy nhiên lực cầu nâng đỡ không đều mà chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Dừng phiên sáng, thị trường ghi nhận 24 mã tăng trong rổ VN30 với động lực chính đến từ nhóm ngân hàng.
Ở nhóm vốn hóa trung bình, bộ đôi DCM và DPM cùng ghi nhận tăng trần. Tương tự, nhiều mã chứng khoán cũng đảo chiều hồi phục như HCM, VCI, FTS, VIX, CTS.
Về mặt kỹ thuật, trước mắt thị trường đã xuất hiện tín hiệu tích cực khi nhiều mã đang hồi phục, thậm trí tăng trần. Điều này cho thấy thị trường đã tạm thời hãm đà rơi, cần chờ tín hiệu xác nhận đáy hai trong thời gian tới.
Tính đến 11h00, VN-Index giảm 6,2 điểm (0,63%) còn 979,95 điểm, VN30-Index giảm 3,48 điểm (0,36%) về 970,4 điểm.
Thị trường chứng khoán về giữa phiên sáng hồi phục gần 20 điểm so với mốc thấp nhất. Tiêu điểm của dòng tiền là nhóm thép với các đại diện như HSG, NKG, HPG và một số cổ phiếu riêng lẻ nhóm dầu khí như PVS, PVD, PVC, DCM, DPM,...
Tính đến 9h30, VN-Index giảm 8 điểm (0,81%) còn 978,15 điểm, VN30-Index giảm 7,32 điểm (0,75%) còn 966,56 điểm.
Tiếp nối xu hướng giảm của thị trường phiên đầu tuần, VN-Index mở cửa giảm hơn 3 điểm. Độ rộng thị trường tiếp tục nghiêng về bên bán với số mã giảm gấp hơn 2 lần số mã tăng.
Điểm sáng đến từ nhóm vốn hóa lớn khi một số bluechips đã trở lại nâng đỡ chỉ số, điển hình như CTG, HPG, SAB, MBB, BVH,... Trong khi đó, VHM tiếp tục là lực cản chính của thị trường khi lấy đi gần 0,7 điểm của VN-Index.
Thị trường diễn biến phân hóa với áp lực điều chỉnh đến từ các nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán, điện,... Chiều ngược lại, một số nhóm ngành đang nỗ lực hồi phục và lan tỏa sắc xanh như bia và đồ uống, thép, sản xuất thực phẩm.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 24/10 tiếp tục đi lên sau khi ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6. Nhà đầu tư đang đánh giá biến động mới nhất của lợi suất và chờ báo cáo tài chính của các tập đoàn công nghệ trong tuần này.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 417 điểm, tương đương 1,34%, và kết phiên ở xấp xỉ 31.500 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,19% lên 3.797 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite thêm 0,86% và dừng ở gần 10.953 điểm.