|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 22/4: Ngân hàng, thủy sản lao dốc, VN-Index giữ mốc 965 nhờ nỗ lực nhóm bluechips

15:03 | 22/04/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán 22/4, dầu khí hồi phục cuối phiên nhưng áp lực từ các nhóm ngành khác (bất động sản, ngân hàng, thủy sản..) vẫn khiến VN-Index giảm điểm.

Kết phiên, VN-Index giảm 0,35 điểm (0,04%) xuống 965,86 điểm; HNX-Index giảm 0,23% còn 105,63 điểm; UPCoM-Index giảm 0,72% về mức 55,65 điểm.

Thị trường chứng khoán 22/4: Ngân hàng, thủy sản lao dốc, VN-Index giữ mốc 965 nhờ nỗ lực nhóm bluechips - Ảnh 1.

Diễn biến thị trường chứng khoán 22/4. Nguồn: Vietstock Finance

Thị trường hồi phục trở lại với 252 mã tăng, 375 mã giảm và 162 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 257,1 triệu đơn vị, tương ứng 4.561 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận trên HOSE hơn 100,5 triệu đơn vị, tương ứng 1.547 tỉ đồng. Đáng chú ý, HNG được thỏa thuận hơn 69,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 995 tỉ đồng.

Nhóm ngân hàng chìm trong sắc đỏ hầu hết phiên giao dịch và tác động tiêu cực đến VN-Index. Số ít mã hồi phục tại giá tham chiếu như HDB, VIB, SHB, NVB. Tương tự, bất động sản ghi nhận VIC, VHM, NVL có sắc xanh với mức tăng không quá 2%.

Nhóm dầu khí phục hồi tích cực gồm GAS (+2,3%), PVS (+2,2%), PVD và BSR (+1,6%)... riêng PLX và OIL  giảm dưới 1%. Nhóm thép diễn biến trái chiều với HSG, POM, HPG tăng nhưng NKG mất 2,1%, TLH mất 6%, VIS chạm sàn 24.100 đồng/cp.

Cổ phiếu ngành thủy sản và dệt may cũng chìm sâu trong sắc đỏ. Các mã như MPC, ASM, CMX mất hơn 3%, AGF mất 5,7%, TNG giảm 6,4%.

Thị trường chứng khoán 22/4: Ngân hàng, thủy sản lao dốc, VN-Index giữ mốc 965 nhờ nỗ lực nhóm bluechips - Ảnh 2.

Diễn biến thị trường chứng khoán châu Á phiên 22/4. Nguồn: CNBC

Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 22/4. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng nhẹ và dừng ở mức 22.217,9 điểm, do cổ phiếu của Fast Retailing, Softbank Group và Fanuc giảm. Chỉ số Topix tăng 0,1% để kết thúc tại 1.618,62 điểm. 

Ở Hàn Quốc, Kospi đóng cửa ở mức 2.216,65 điểm khi cổ phiếu của nhà sản xuất chip SK Hynix giảm 1,59%. Thị trường Trung Quốc cũng giao dịch tiêu cực với Shanghai Composite giảm 1,7% xuống còn 3.215,04 điểm và Shenzhen Composite cũng giảm 1,5% xuống còn 1.751,91 điểm.

Tính đến 14h, VN-Index giảm 2,29 điểm (0,24%) xuống 963,92 điểm; HNX-Index giảm 0,27% còn 105,59 điểm; UPCoM-Index giảm 0,61% còn 55,71 điểm. VN-Index vượt mốc tham chiếu vào đầu phiên chiều nhưng nhanh chóng giảm trở lại dù GAS, VHM tăng tích cực. Sàn HOSE vẫn ghi nhận các mã giảm trên 3% gồm QCG, STK, TCM, HBC, SSI, AAA, BCG.

Thị trường chứng khoán phiên sáng 22/4, VN-Index mất hơn 3 điểm

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,04 điểm (0,31%) xuống 963,17 điểm; HNX-Index giảm 0,6% xuống 105,24 điểm; UPCoM-Index giảm 0,8% về mức 55,61 điểm.

Các doanh nghiệp đang bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh và Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, tuy nhiên, thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng.

Toàn thị trường ghi nhận 354 mã giảm, 184 mã tăng và 131 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 106 triệu đơn vị, tương ứng 1.854 tỉ đồng.

Lực cầu tích cực hơn cuối phiên sáng giúp chỉ số VN-Index không giảm quá mạnh. VIC đảo chiều với mức tăng nhẹ, chỉ còn VNM (-2,7%) và nhóm ngân hàng ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số.

Một số cổ phiếu tăng trên 4% gồm TDH, DHG, HSG. Ngược lại, nhóm dệt may lao dốc với STK mất 5,3%, TCM mất 4,7%, TNG với 6,4%. Bất động sản ghi nhận QCG giảm 4%...

Tính đến 10h40, VN-Index giảm 4,07 điểm (0,42%) xuống 962,14 điểm; HNX-Index giảm 0,25% còn 105,62 điểm. Thị trường vẫn tiếp tục giằng co với biên độ rộng và thanh khoản thấp. Cổ phiếu ROS đạt hơn 2,5 triệu đơn vị khớp lệnh và dẫn đầu sàn HOSE. Một số mã đảo chiều tăng nhẹ như NVL, VHM, VRE, POW, HPG...Nhóm ngân hàng vẫn chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ KLB, EIB tăng dưới 1%.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 2,5 điểm (0,26%) xuống 963,71 điểm; HNX-Index giảm 0,12% còn 105,75 điểm; UPCoM-Index giảm 0,4% xuống 55,83 điểm.

Lực bán gia tăng ngay đầu phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu VIC (1%), VNM (1,5%) cùng PLX, SAB giảm mạnh và nhóm ngân hàng tác động mạnh nhất đến đà giảm của VN-Index.

Diễn biến phân hóa bao phủ các nhóm ngành, bất động sản với QCG giảm 3%, DXG, DRH, CTD cùng giảm dưới 1%. Nhóm dầu khí ghi nhận BSR, GAS, PVD có sắc xanh nhưng PLX giảm nhẹ, PVX chạm sàn. Nhóm thủy sản, dệt may giao dịch khá tiêu cực.

Ở diễn biến ngược lại, một số mã tăng điểm tích cực như VHG tăng trần 24 phiên liên tiếp, PPI tăng kịch trần trước khi hủy niêm yết từ ngày 20/5, cổ phiếu chứng khoán BSI tăng 5,2%, HSG cũng tăng 5,5%.

Nhật Huyền