Thị trường chứng khoán (10/2): Diễn biến giằng co, VN-Index giảm gần 9 điểm với thanh khoản thấp
Đóng cửa, VN-Index giảm 8,73 điểm (0,82%) về 1.055,3 điểm, HNX-Index giảm 2,42 điểm (1,15%) về 208,5 điểm, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (0,11%) lên 77,34 điểm.
VN-Index dừng chân ở mốc 1.055,3 điểm giảm gần 9 điểm so với phiên trước. Thị trường giao dịch ảm đạm từ sáng với xu hướng phân hóa chi phối. Tuy nhiên, sức ép đến từ lực bán khiến VN-Index không thể níu lại sắc xanh cho thị trường.
Quan sát trong phiên lực cầu gom hàng giá thấp có thời điểm đã kéo VN-Index trở lại trên tham chiếu, nhưng khi chỉ số này vừa chớm xanh đã nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại.
Nhóm ngân hàng là tác nhân chính gây giảm điểm. Trong khi ông lớn VCB vẫn nỗ lực giữ nhịp cho chỉ số chính nhưng chừng đó là không đủ sức để giữ được VN-Index trên mốc 1.060 điểm khi đa số các mã lớn khác đều giảm. Điển hình như BID, VPB, VIB, EIB, STB, CTG, STB, ... đều nằm trong nhóm ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường, trong nhóm này có EIB giảm kịch sàn về 22.950 đồng/cp.
Toàn thị trường ghi nhận 605 mã giảm, trong đó có 50 mã nằm sàn, trong khi chỉ có 256 cổ phiếu tăng và 229 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 547 triệu đơn vị, giá trị 9.241 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE tiếp tục giảm nhẹ so với phiên trước còn 6.671 tỷ đồng.
Thị trường trong nước khép lại tuần giảm thứ hai liên tiếp, kể từ mức đỉnh ngắn hạn chỉ số Vn-index đã giảm hơn 6%. Tuần này chứng khoán thế giới cũng giảm trên diện rộng khi nhà đầu tư lo ngại về chính sách tiền tệ tương lai của Fed.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 8,82 điểm (0,83%) về 1.055,21 điểm, VN30-Index giảm 9,93 điểm (0,94%) về 1.049,98 điểm.
Áp lực bán tiếp tục nới rộng trong phiên chiều nay khiến VN-Index tiếp tục rơi khỏi ngưỡng hỗ trợ 1.060 điểm về các mốc thấp hơn. Những nhóm ngành có phần khởi sắc hôm qua như xuất khẩu hay dầu khí hôm nay cũng bị lực cung chi phối.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,8 điểm (0,36%) về 1.060,23 điểm, HNX-Index giảm 2,2 điểm (1,04%) còn 208,71 điểm, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (0,31%) lên 77,49 điểm.
Khối lượng giao dịch trong phiên sáng đạt gần 200 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 3.507 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh trên HOSE chiếm 2.317 tỷ đồng. Thị trường bị sắc đỏ chi phối với 517 mã giảm, 224 mã tăng giá và 212 mã đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt điều chỉnh khiến VN-Index lui về khu vực hỗ trợ 1.060 điểm, trong đó GAS, VIC, SAB, MSN, HPG, VIB, GVR tác động nhiều nhất lên chỉ số. Cùng với đó, nhóm dầu khí cũng điều chỉnh sau phiên khởi sắc hôm qua. Ngược lại, nhóm điện, dược phẩm, sản xuất thực phẩm có phần tích cực hơn so với phần còn lại của thị trường.
Tính đến 11h00, VN-Index giảm 3,03 điểm (0,28%) xuống 1.061 điểm, VN30-Index giảm 2,43 điểm (0,23%) về 1.057,48 điểm.
Nhìn chung VN-Index vẫn duy trì xu hướng sideway với thanh khoản thấp. Giá trị giao dịch trên toàn thị trường chưa đến 3.000 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, giá trị khớp lệnh vỏn vẹn gần 1.700 tỷ đồng.
Tính đến 9h50, VN-Index giảm 0,71 điểm (0,07%) về 1.063,32 điểm, HNX-Index giảm 1,73 điểm (0,82%) về 209,18 điểm, UPCoM-Index tăng 0,68 điểm (0,89%) lên 77,93 điểm.
Sau những nỗ lực hồi phục bất thành vào đầu phiên, VN-Index dần suy yếu và giảm điểm. Áp lực bán chủ động đang chiếm ưu thế hơn so với bên mua đã khiến cho chỉ số một lần nữa lùi sát về quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.06x.
Cổ phiếu lớn giao dịch phân hóa với 14 mã tăng/14 mã giảm. Bên chiều tăng điểm, VCB, SAB, VJC, VPB, PLX, ... đang nỗ lực giữ nhịp cho chỉ số chính. Trong khi đó, áp lực điều chỉnh đang làm khó VIC, GAS, VRE, ...
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 9/2 mở cửa trong sắc xanh nhưng kết phiên dưới tham chiếu khi tâm lý lo ngại xoay quanh chính sách tiền tệ của Fed triệt tiêu sự lạc quan về kết quả kinh doanh của loạt doanh nghiệp.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 249 điểm, tương đương 0,73%, và đóng cửa ở gần 33.700 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite giảm sâu hơn với tỷ lệ lần lượt 0,88% và 1,02%.