Thị trường BĐS chững lại đang tạo sức ép lên ngân sách TP HCM
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Tại Hội nghị Bất động sản 2019 sáng ngày 25/9, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, xét trong 10 năm gần nhất, thị trường bất động sản (BĐS) tăng trưởng gấp đôi với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân.
Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang dẫn dắt và thống lĩnh thị trường BĐS.
Thống kê đế tháng 5/2019, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp BĐS nhưng phần lớn là doanh nghiệp có qui mô trung bình và hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực môi giới.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS có nhiều dấu hiệu chững lại. Khối doanh nghiệp BĐS tư nhân ngày càng lớn mạnh nhưng phải đương đầu với nhiều rủi ro, thách thức, trong đó có vấn đề pháp lí vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm chỉ có ba dự án nhà ở thương mại được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP HCM công nhận chủ đầu tư, giảm hơn 84,2% so với cùng kì năm 2018.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại (giảm 82,2%), có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (giảm 29,4%), phân khúc căn hộ cao cấp giảm 43,8%, căn hộ bình dân giảm 34,7% và tiền thu sử dụng đất cũng giảm 60%, tương đương với 4.037 tỉ đồng.
"6 chỉ số quan trọng trên đều giảm, chỉ có thời gian để chờ đợi kí tiền sử dụng đất và thời gian rà soát thanh tra thì tăng lên, ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP HCM nhận định.
Theo ông Lương, hiện nay TP HCM đang đối mặt với nhiều áp lực liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có áp lực về dân số và thu ngân sách.
Áp lực về dân số kéo theo áp lực về sở hữu cũng nhu nhu cầu nhà ở tăng cao. Trung bình một năm, TP HCM tiếp nhận cơ học và tự nhiên khoảng 200.000 người, 5 năm (ứng với một nhiệm kì) sẽ tiếp nhận 1 triệu người, tương đương với dân số của một tỉnh. Việc dân số tăng nhanh cũng tạo ra những áp lực khác lên hạ tầng.
Bên cạnh đó, ông Lương cho rằng, "các thủ tục pháp lí của nhiều dự án đang vướng mắc đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS và qua đó cũng làm giảm thu ngân sách của TP HCM".
"Năm 2019, Bộ Tài chính giao cho TP HCM thu ngân sách 399.700 tỉ đồng, con số này gấp 1,5 lần Hà Nội, gấp 6,2 Hải Phòng, gấp 14,5 lần Đà Nẵng và gấp 35,7 lần so với Cần Thơ. 4 địa phương trên cộng lại vẫn chưa bằng TP HCM", ông Lương cho biết.
Ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP HCM
Trong 6 tháng đầu năm 2019, thu ngân sách của TP HCM chỉ đạt 45% kế hoạch. Xét về qui mô của thành phố, nếu giảm thu 1% sẽ mất 4.000 tỉ đồng.
"Việc BĐS trong thời gian vừa qua chững lại tác động rất lớn đến nguồn thu của TP HCM. Đến hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp BĐS gặp vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, vẫn còn nhiều bất cập giữa qui định và thực tiễn", ông Lương cho biết.
Theo rà soát của VCCI tại 9 luật liên quan đến lĩnh vực BĐS (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Qui hoạch đô thị, Luật Phòng cháy chữa cháy), có hơn 20 xung đột chính sách từ các luật liên quan đến nghị định, thông tư hướng dẫn.
"Doanh nghiệp thực hiện theo luật này thì đúng nhưng xét theo luật khác lại sai, địa phương không biết làm sao… Điều này không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà còn tạo mảnh đất cho tham nhũng", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.