Thị trường bất động sản Thanh Hóa phát triển nóng, tiềm ẩn rủi ro
Thị trường bất động sản Thanh Hóa vốn là tâm điểm của khu vực Bắc Trung Bộ. Theo ghi nhận của người viết, sau giai đoạn sốt nóng hồi đầu năm 2021 khiến giá đất nhiều nơi tăng dựng đứng, thời gian gần đây Thanh Hóa thu hút nhiều doanh nghiệp đổ về nghiên cứu, đầu tư các dự án. Trong đó phải kể đến Sun Group, Sunshine Homes, T&T, Hưng Thịnh,... với loạt dự án quy mô lớn.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, Thanh Hóa cũng đang trở thành đích ngắm của nhiều tập đoàn nước ngoài.
Đơn cử, Tập đoàn Foxconn vừa qua đã chấm ba địa điểm để đặt nhà máy tỷ đô sản xuất linh kiện, thiết bị cho ông lớn công nghệ Apple , bao gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, Khu công nghiệp tại huyện Thiệu Hóa.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Aeon về việc triển khai đầu tư dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall có vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu USD. Dự án dự kiến khởi công vào quý I/2022, khánh thành năm 2023.
Song song với đó, Thanh Hoá cũng chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quy hoạch đô thị. Giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này đặt mục tiêu thu hút 48 dự án theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 68.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực giao thông có 9 dự án.
Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh này sẽ bổ sung 19 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.921 ha,...
Rủi ro bong bóng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đánh giá, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, nhằm đảm bảo sự lành mạnh của thị trường bất động sản.
Nguyên nhân là do thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn Thanh Hóa dù diễn ra sôi động nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
Tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc, hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa đảm bảo pháp lý; thực hiện chuyển nhượng đất đai trái quy định; giao dịch nhà, đất khi chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Đáng nói, có một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm; có trường hợp cao bất thường, tác động tiêu cực đến thị trường nhà đất.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra các vấn đề về đất đai. Đặc biệt, phải có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông gây ra bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, xã hội và đời sống của người dân.
Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng đã đưa vào kinh doanh.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nếu có biểu hiện bất thường. Đồng thời, đánh giá tình hình, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản trên địa bàn.
Sở Xây dựng được giao tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Ngoài ra, đơn vị này phải có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương. Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.