Thị trường bất động sản nhà ở kì vọng gì ở các đô thị vùng ven?
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở mới đây của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, tổng lượng giao dịch căn hộ sơ cấp tại Hà Nội và TP HCM dự báo sẽ tiến triển chậm hơn trong giai đoạn 2020 - 2021, đặc biệt là tại TP HCM do cơ sở giá bán cao hơn và việc trì hoãn cấp phép dự án vẫn đang diễn ra.
Trong khí đó, BĐS tại các khu vực cấp 2, bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hải Phòng, và Quảng Ninh kì vọng ghi nhận lượng giao dịch gia tăng. Đây có thể là các địa điểm chính để duy trì đà phát triển thị trường.
Theo các chuyên viên phân tích VCSC, một số cơ sở cho xu hướng này bao gồm mức giá cả vừa phải (so với nội đô) và sự cải thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng. Thời gian di chuyển giữa các khu vực vùng ven với TP HCM và Hà Nội đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, cùng với đó là kì vọng về xu hướng phát triển hạ tầng trong tương lai gần.
Trong khi đó, giá BĐS khu vực nội đô TP HCM và Hà Nội đã tăng trưởng ở mức 2 chữ số trong suốt giai đoạn 2018 - 2019, khiến cho mức giá của BĐS tại các khu vực vùng ven trở thành lựa chọn vừa túi tiền với người mua và nhà đầu tư.
Trong dài hạn, VCSC cho rằng, các chủ đầu tư có thương hiệu và khả năng bán hàng tốt sẽ tiếp tục thành công trong triển khai sản phẩm mới ở khu vực vùng ven. Một số doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục giành thị phần từ các công ty nhỏ hiện đang đối mặt với vấn đề như khả năng bàn giao trễ, chất lượng xây dựng kém, dịch vụ hậu mãi không tương xứng.
Thị trường vẫn có triển vọng trong dài hạn
Đánh giá trong dài hạn, VCSC cho rằng, ngành BĐS vẫn nằm trong nhóm các ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.
Trong đó, các yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính cho ngành BĐS nhà ở vẫn duy trì ổn định, bao gồm cơ sở hạ tầng cải thiện, qui mô hộ gia đình trung bình giảm và tỉ lệ thâm nhập của thị trường cho vay mua nhà thế chấp gia tăng trong dài hạn.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng nhất trong khu vực với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định.
Đây là cơ sở để VCSC đưa ra kì vọng, tầng lớp thu nhập trung bình nhiều khả năng sẽ có xu hướng lối sống tương tự các quốc gia khác trong khu vực khi có qui mô hộ gia đình nhỏ hơn, thúc đẩy nhu cầu từ những người mua nhà lần đầu. Trong tương lai, dân số thành thị tiếp tục gia tăng sẽ dẫn dắt nhu cầu nhà ở.
Ngoài ra, theo phân tích của VCSC, trong giai đoạn 2016 - 2019, tỉ lệ tín dụng cho vay mua nhà trong phần trăm GDP hiện tại của Việt Nam chỉ tăng với tốc độ khiêm tốn, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kì ở Thái Lan và thấp hơn đáng kể con số tương tự tại Singapore và Malaysia.
Điều này xuất phát từ thực tế mức lãi suất vay tại thời điểm này cao hơn so với các quốc gia trong khu vực, một phần tạo ra thị trường cho vay mua nhà chưa hấp dẫn, dẫn đến tỉ lệ thâm nhập thấp.
"Thị trường nhà ở sơ cấp trong tương lai vẫn còn dư địa rất lớn khi thị trường tín dụng cho vay mua nhà ở Việt Nam sẽ tăng trưởng trong dài hạn", VCSC nhận định.
Song song với đó, các chủ đầu tư hiện nay cũng gia tăng tích hợp các khoản vay mua nhà vào giai đoạn bán hàng nhằm làm giảm gánh nặng thanh toán sớm cho người mua nhà. Ngân hàng và các doanh nghiệp BĐS đang dần cải thiện dịch vụ dành cho các khách hàng cá nhân khi giới thiệu các gói thanh toán linh hoạt hơn.