Thị trường bất động sản bắt đầu \"đối mặt\" với đầu cơ
Tại buổi hội nghị giữa Bộ Xây dựng với Hiệp hội bất động sản và doanh nghiệp địa ốc chiều 12/8, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định, thị trường đang lệch pha nguồn cung. Cụ thể, nguồn cung căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. "Nếu thực hiện hết các dự án bất động sản thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, chúng ta sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp.Trong khi đó nguồn cầu lớn nhất trên thị trường hiện nay là nhà thu nhập thấp", Bộ trưởng Hà lo ngại.
Thực tế vừa qua, theo ghi nhận của VietnamBiz, hàng loạt dự án mang danh nghĩa cao cấp đua nhau khởi công và mở bán. Số đông dự án hút khách dao động quanh mức 1,3-2,5 tỷ đồng mỗi căn. Thậm chí, đối với một số dự án, sau khi mở bán, nhà đầu tư có thể "lướt sóng" lãi ngay 20-30 triệu đồng mỗi căn.
Trước thực trạng tăng giá ở một số dự án, Bộ trưởng Hà cho rằng, dư luận có nhiều ý kiến về việc tăng giá sản phẩm do tác động của nhà đầu tư thứ cấp dẫn đến thị trường đã bắt đầu có đầu cơ. Dự án tăng từ 3-7%, cục bộ ở một số dự án tăng giá cao hơn rất nhiều. Đây là kết quả của đầu cơ, của một số đơn vị bán hàng đẩy giá. "Tuy nhiên, hiện tượng này cũng chưa phải phổ biến. Các thành viên Hiệp hội bất động sản cần kiểm soát chặt chẽ hơn các dự án của mình", ông Hà nhắc nhở.
Với tốc độ tăng dư nợ tín dụng ở mức 8%, bộ trưởng Hà cho rằng, dù trong phạm vi an toàn, thị trường vẫn có thể tiềm ẩn rủi ro khi phần lớn tín dụng tập chung vào sản phẩm cao cấp cũng như nằm trong tay một số nhà đầu tư. Trước thực trạng của tình hình địa ốc, người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản cần định hướng phát triển lành mạnh, bền vững. Đặc biệt cần phát triển thêm các thể chế tài chính để thúc đẩy vốn cho địa ốc.
Giá căn hộ tăng mạnh cục bộ do đầu cơ. |
Doanh nghiệp tiếp tục "chóng mặt" vì thủ tục dự án
Tại hội nghị, một trong những vấn đề gây nóng hội trường là nhiều doanh nghiệp than thở chuyện cấp phép dự án rất khó khăn. Ông Tạ Văn Tố, Tổng Giám đốc CEO Group tiết lộ, giá bán căn hộ phải xác định đến hai lần. Lần thứ nhất làm cơ sở để chủ đầu tư triển khai kinh doanh. Lần thứ hai làm cơ sở để chủ đầu tư làm sổ đỏ, chính điều này gây khó cho doanh nghiệp bất động sản. "Chúng tôi xin kiến nghị, việc xác định giá bán chỉ làm một lần để làm cơ sở cho tất cả các thủ tục", ông Tố kiến nghị.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cho hay, hiện các thủ tục hành chính phức tạp làm khó cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt, doanh nghiệp luôn bị thanh tra dự án liên tục. "Chúng tôi làm ăn chính đáng nhưng liên tục có thanh tra. Chẳng hạn như Thanh tra của Cục thuế, Thanh tra Thành phố, mặc dù Thủ tướng đã có yêu cầu trong cùng một thời điểm chỉ nên có một đoàn thanh tra", ông Hiệp nêu vấn đề.
Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiêp than về chuyện cấp phép thủ tục rườm rà phức tạp. Trước đó, một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng tại TP HCM từng kiến nghị cơ quan chức năng nên bỏ bớt các thủ tục cấp giấy chủ quyền vì quy trình có đến 10 khâu và mỗi dự án nhà ở đang bị chi phối bởi 8 luật. Cụ thể, theo ông, một dự án căn hộ bị 8 luật đè trên đầu. Luật đất đai, nhà ở, xây dựng, đô thị, kinh doanh bất động sản, đầu tư... Dưới luật là hàng loạt các thông tư, nghị định làm doanh nghiệp chóng mặt.
Trước ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Xây dựng Đỗ Đức Duy cho hay, Nghị quyết 19 nêu rõ, thời gian từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công công trình, thời gian cấp giấy phép xây dựng 30 ngày đối với dự án, 15 ngày đối với nhà riêng lẻ. "Bộ Xây dựng đã đề nghị rút ngăn thời gian này và cũng mở rộng thêm đối tượng miễn cấp giấy phép xây dựng, lồng ghép thủ tục vào nhau để rút ngắn thời gian", Thứ trưởng Duy khẳng định.
Trúc Linh