|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường bảo hiểm: Cửa mở cho 'người đến sau'

14:16 | 27/06/2018
Chia sẻ
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang lên “cơn sốt”. Hàng loạt doanh nghiệp đến sau đã có sự bứt phá và rượt đuổi liên tục nhờ những quyết sách đúng đắn để nhận được những “trái ngọt”.
thi truong bao hiem cua mo cho nguoi den sau Dai-ichi Life lên kế hoạch thâm nhập thị trường bảo hiểm Campuchia
thi truong bao hiem cua mo cho nguoi den sau 'Thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục hoàn thành mục tiêu tại Chiến lược 2016 - 2020'

Báo cáo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, bảng sắp xếp thứ tự các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đang có sự xáo trộn. Nhiều DN top dưới đang nỗ lực tăng vốn, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa kênh phân phối… kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và thị phần trong thời gian tới.

Doanh nghiệp đến sau tăng tốc

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, 4 tháng đầu năm 2018, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng doanh thu phí toàn thị trường đạt 37.141 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 14.519 tỷ đồng, tăng 13,8%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 22.622 tỷ đồng, tăng 32,5%.

Đáng nói, thị phần doanh thu của các DN bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ đang có sự xáo trộn về thứ tự và tốc độ tăng trưởng.

Cụ thể, ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, thị phần của 5 DN top đầu là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm dầu khí PVI, Bảo hiểm Bưu điện PTI, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm PJICO đã giảm dần từ mức 70% về khoảng 60% (năm 2017).

Ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, ngoài Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thị trường với 22,12% thị phần, 4 vị trí phía sau có sự hoán đổi như: Dai-ichi vượt qua Prudential vươn lên đứng thứ 2 với 15,59% thị phần (cuối năm 2017, Prudential đứng thứ 2); Prudential lùi về thứ 3 với 15,25% thị phần, tiếp theo là Manulife tụt xuống thứ 4 với 14,34% thị phần; đứng thứ 5 là AIA với 10,51% thị phần.

Con số tăng trưởng này phản ánh những nỗ lực không ngừng của các DN, trong đó có cả sự cạnh tranh khốc liệt. Cơ hội không chỉ dành cho các DN lớn, mà những DN đến sau đang có sự bứt phá và rượt đuổi liên tục.

Theo kế hoạch kinh doanh dự kiến năm 2018, các DN bảo hiểm có thị phần lớn như Bảo Minh đưa ra mục tiêu đạt tổng doanh thu là 4.318 tỷ đồng, tăng 5,6%. Còn PTI, PJICO đưa ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu trong khoảng 5 – 10%.

Thực tế, trong 2 tháng đầu năm 2018, doanh thu phí gốc của Bảo Minh tăng 5,14%; PJICO tăng 3,48%.

Trong khi đó, nhiều DN bảo hiểm nhỏ đặt chỉ tiêu doanh thu trong năm 2018 tăng 12-20%: MIC đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 20%; VNI phấn đấu tổng doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 25%.

Ngoài ra, nhiều DN bảo hiểm lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Điển hình như Sun Life Việt Nam, DN này vừa được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 1.870 tỷ đồng. Mới đây, Sun Life Việt Nam cũng chính thức mở thêm 2 văn phòng tại Ninh Thuận và Lâm Đồng.

thi truong bao hiem cua mo cho nguoi den sau

Cạnh tranh khốc liệt

Theo các chuyên gia bảo hiểm, thị phần của ngành bảo hiểm còn nhiều tiềm năng do số lượng người tham gia bảo hiểm còn ít, đời sống thu nhập người dân càng nâng cao, nhận thức về bảo hiểm thay đổi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tiềm năng đi cùng với thách thức lớn. Cuộc cạnh tranh giành giật thị phần trên thị trường bảo hiểm vẫn chưa hết nóng mà còn khốc liệt hơn bao giờ hết.

Báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho thấy, với số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ (18 công ty) và phi nhân thọ (30 công ty) đang hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay, “sân chơi” thị phần sẽ chứng kiến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các công ty có quy mô lớn, vừa và nhỏ.

Bà Nguyễn Ngọc Trang, Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm VietinAviva, cho rằng: Đối với thị trường tài chính, nội lực, chiến lược kinh doanh, sản phẩm… sẽ đóng vai trò quyết định để DN bảo hiểm nhận về “quả ngọt” hay “trái đắng”.

Có thể nói, thời gian qua, nhiều DN bảo hiểm đến sau nhưng đã có sự bứt phá ngoạn mục nhờ đã đưa ra giải pháp hiệu quả như: mở rộng mạng lưới, hợp tác bán chéo sản phẩm…

Ngoài ra, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, xu hướng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến cũng đã được nhiều hãng áp dụng.

Ông Trần Hoài An, Tổng Giám đốc BIC, cho biết thời gian qua, BIC chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm mới, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị điều hành, chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng.

Ngoài ra, BIC tập trung phát triển các kênh phân phối bán lẻ, đặc biệt là bán sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng (bancassurance), cùng với đó là việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động bồi thường…, vì vậy đã mang lại những kết quả khả quan.

“Kết thúc năm 2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC vẫn tăng trưởng tương đối khả quan, ước đạt 1.825 tỷ đồng, tăng trưởng 9,2% so với năm 2016. Sang năm 2018, mục tiêu của BIC đạt 2.100 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 16%”, ông An cho hay.

Xem thêm

Huyền Anh