|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị giá cổ phiếu đang thiết lập mặt bằng mới

14:15 | 17/12/2016
Chia sẻ
Chứng khoán đã trải qua không chỉ một tuần buồn, mà cả một, hai tháng buồn khi khối ngoại liên tục bán ròng, khiến nhà đầu tư nội cũng bán theo. Trong hơn 11 tháng qua, theo thống kê của bộ phận phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), khối ngoại bán ròng khoảng 6.800 tỉ đồng, trong đó riêng mã VIC họ bán ròng 6.300 tỉ đồng.

Nếu không tính lượng bán ròng ở VIC, giá trị bán ròng chung của nước ngoài khá nhỏ. Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm họ mua ròng khoảng 110 triệu đô la Mỹ (gần 2.500 tỉ đồng), mới thấy sự thiếu hụt của vốn ngoại để lại khoảng trống không nhỏ trên thị trường.

Sự thiếu hụt này càng gia tăng kể từ khi đồng đô la Mỹ mạnh lên so với các đồng tiền khác và cả với tiền đồng. Chỉ số chứng khoán ở châu Âu và Mỹ đều đi lên và đã cán những mốc kỷ lục mới. Tiền bị rút khỏi các thị trường mới nổi, kể cả thị trường cận biên như Việt Nam để đổ trở lại chính quốc. Hai quỹ đầu tư chỉ số VNM ETF và DB ETF liên tục bị rút vốn, chưa kể một số quỹ đóng cũng chịu áp lực bán ra để đóng quỹ khi cuối năm đã cận kề. Hiện tại số lượng chứng chỉ quỹ của DB ETF còn chừng 12 triệu đơn vị và của VNM ETF còn dưới 20 triệu đơn vị, tương đương với số vốn của hai quỹ vào đầu năm 2013.

Xu hướng bán ra đã khiến cho thị giá cổ phiếu nói chung được thiết lập ở mặt bằng mới, tương đối rẻ không chỉ so với các thị trường khu vực, mà so với chính VN-Index. Hầu hết các cổ phiếu MidCap và SmallCap đã giảm sâu, quanh quẩn ở mệnh giá và cao nhất cũng chỉ trên dưới 20.000 đồng. VN-Index tính từ đầu năm đến nay vẫn còn tăng 16%, nhưng thực tế việc tăng này chủ yếu nhờ cổ phiếu SAB mới niêm yết (SAB tăng trần sáu phiên liên tiếp) và ROS. Không ít cổ phiếu có thị giá đã về vùng đáy, thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Các cổ phiếu ngân hàng đều giảm sâu. CTG, BID, STB, EIB đều ở vùng giá thấp nhất của 12 tháng. Trên sàn Hà Nội, SHB thậm chí chỉ còn 4.600 đồng/cổ phiếu.

Giờ đây nhìn về năm 2017 những ý kiến bi quan về chứng khoán đang lan rộng. Thứ nhất khả năng thị trường đón nhận thêm dòng vốn ngoại đổ vào sàn niêm yết (không tính vốn ngoại tham gia mua các đợt thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy mô như Vinamilk, Sabeco, Habeco, ACV...) là thấp. Những giải pháp của cơ quan quản lý nhằm đẩy thanh khoản của thị trường và thu hút vốn nội hầu như không phát huy tác dụng.

Thứ hai biến số của kinh tế vĩ mô trong năm tới tỏ ra rất khó dự đoán vì diễn biến lạm phát, tỷ giá, lãi suất, thoái vốn nhà nước và đi cùng với nó là cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh, đưa công ty cổ phần lên sàn phụ thuộc một phần không nhỏ vào thị trường quốc tế. Việc giá dầu thô thế giới tăng trong những tuần gần đây nhờ các thành viên OPEC và Nga đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng có thể là nhân tố đẩy giá xăng trong nước và tác động đến CPI. Tỷ giá không thể đứng ngoài ảnh hưởng sự mạnh lên thấy rõ của đồng đô la Mỹ. Kiều hối năm nay giảm nhẹ so với năm ngoái, nhưng sự giảm này có thể rõ nét hơn khi lãi suất tiết kiệm ngoại tệ vẫn giữ ở mức 0%, còn biến động tỷ giá đang khỏa lấp sự chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa ngoại tệ và nội tệ. Việc thoái vốn nhà nước có thể gặp trở ngại nếu tư duy và cách thức thoái vốn không đủ linh hoạt để thích hợp với thị trường.

Bên cạnh đó, một năm qua việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đặc biệt xử lý nợ xấu hầu như giậm chân tại chỗ. Con đường duy nhất hiệu quả trong xử lý nợ xấu là các ngân hàng phải thắt lưng buộc bụng, trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng nếu chỉ bám vào một con đường này, thì ngành ngân hàng không còn dư địa để giữ mặt bằng lãi suất cho vay hiện hành, chứ đừng nói đến giảm lãi suất.

Chứng khoán sẽ tiếp diễn đà phân hóa nhìn từ biến động giá hàng hóa thế giới. Giá dầu thô, cao su thiên nhiên, dầu cọ, đậu nành, than đá, đường, quặng sắt... đang đi lên và đã tăng khoảng 30-40% so với đáy. Các cổ phiếu có liên quan đến giá hàng hóa dường như đang ở chân của một con sóng lớn. Tuy vậy, sẽ không có chuyện giá hàng hóa chạy mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Các thỏa thuận của OPEC và Nga có thể bị đình trệ vì lợi ích riêng mỗi bên, chưa kể trào lưu dầu đá phiến ở Mỹ sẽ bùng phát trở lại nếu giá dầu thô cán ngưỡng 60 đô la Mỹ/thùng. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhiên liệu từ Trung Quốc vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng.

Để lên được 700 điểm, VN-Index cần có thêm nhiều “ông lớn” lên sàn như Sabeco. Hiện tượng “sao đổi ngôi” giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn đang được kích hoạt. Sự phân cực giữa nhóm này và phần còn lại của thị trường giãn rộng đến đâu là điều khó thể nói trước.

Thành Nam