'Thêm một báo cáo lạm phát tồi tệ nữa là chứng khoán Mỹ sẽ điều chỉnh'
Ông Jeremy Siegel, Giáo sư tài chính của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania dự kiến thị trường chứng khoán Mỹ sẽ xảy ra một đợt điều chỉnh nghiêm trọng mà không liên quan đến rủi ro COVID-19.
Nguyên nhân: Sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm đối phó với tình trạng lạm phát nóng.
Ông Siegel, người có nhận định lạc quan về chứng khoán Mỹ trong lâu dài, nói với CNBC: "Nếu Fed đột nhiên cứng rắn hơn, tôi không chắc rằng thị trường sẽ sẵn sàng cho cú quay xe 180 độ mà Chủ tịch Jerome Powell có thể thực hiện nếu chúng ta đón nhận thêm một báo cáo lạm phát tồi tệ nữa. Một đợt điều chỉnh sẽ xảy ra".
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đi lên 6,2% trong tháng 10, mức tăng lớn nhất trong hơn 30 năm.
Ông Siegel chỉ trích Fed vì đã quá chậm trễ trong việc thực hiện các hành động chống lạm phát. "Nhìn chung, vì Fed chưa có bất kỳ hành động mạnh mẽ nào, tiền vẫn đang chảy vào thị trường. Fed vẫn đang thực hiện nới lỏng định lượng".
Ông dự đoán thời khắc hé lộ sự thật sẽ diễn ra trong cuộc họp chính sách 14-15/12 của Fed. Nếu cuộc họp báo hiệu cách tiến cận cứng rắn hơn để kiềm chế giá cả, ông Siegel cảnh báo thị trường có thể điều chỉnh.
"Không có lựa chọn khác"
Bất chấp các mối quan ngại, ông Siegel vẫn yêu thích cổ phiếu.
"Tôi vẫn đang đầu tư tất tay vào cổ phiếu bởi vì không còn lựa chọn khác khác. Theo ý tôi thì trái phiếu ngày càng trở nên tồi tệ. Tiền mặt thì bốc hơi theo tốc độ lạm phát, hiện là trên 6% và sẽ còn lên cao hơn".
Ông Siegel dự kiến tình trạng giá cả tăng sẽ kéo dài trong suốt vài năm, với lạm phát tích lũy lên đến 20-25%.
"Ngay cả khi thị trường chứng khoán có chút bấp bênh, bạn sẽ muốn nắm giữ tài sản thực trong kịch bản lạm phát cao đến vậy. Và cổ phiếu là tài sản thực. Tài sản thực là những gì sẽ giữ được giá trị trong thời gian dài".
Nhưng không phải cổ phiếu của công ty nào cũng đáng sở hữu.
Ông Siegel lưu ý rằng môi trường lạm phát cao sẽ tạo ra lực cản cho cổ phiếu công nghệ. Tuần trước, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq lập đỉnh lịch sử và lần đầu tiên vượt mốc 16.000 điểm.
"Nếu lãi suất đi lên, các cổ phiếu có giá rất cao với dòng tiền chiết khấu trong tương lai dài sẽ bị ảnh hưởng bởi cơ chế chiết khấu".
Ông Siegel cho rằng sức mạnh kỷ lục của cổ phiếu tăng trưởng hiện nay là nhờ nỗi sợ chủng Delta và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ suy giảm. Ông dự đoán bùng phát COVID-19 sẽ giảm đi khi thêm nhiều người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 liều thứ ba.
"Nỗi sợ dịch bệnh và lợi suất thấp đã chấm dứt đà tăng của các cổ phiếu hưởng lợi khi kinh tế mở cửa. Cổ phiếu giá trị đã trở nên rất rẻ".
Nếu dự đoán về thay đổi chính sách của Fed thành sự thật, ông Siegel nhận định Phố Wall sẽ vượt qua cú sốc khá nhanh chóng, và nhà đầu tư sẽ muốn sở hữu cổ phiếu trả cổ tức và yêu thích nhóm tài chính trong năm 2022.
"Cổ phiếu tài chính gần đây đã bị bán tháo do lãi suất thấp hơn. Chúng có thể phục hồi trở lại", ông Siegel cho biết.