Thêm kênh bơm thanh khoản, kỳ vọng lãi suất ngân hàng giảm thêm
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biễn phức tạp, việc giảm thêm lãi suất cho vay không chỉ để hỗ trợ khách hàng hồi phục và phát triển kinh doanh, mà còn nhằm thúc đấy nhu cầu tín dụng, giúp các ngân hàng giảm rủi ro nợ xấu gia tăng khó lường.
Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa ra dấu hiệu về một đợt điều chỉnh thêm lãi suất điều hành, việc bơm thanh khoản thông qua những công cụ hiện có được kỳ vọng là biện pháp hợp lý để tạo điều kiện tốt nhất giúp các nhà băng giảm lãi suất.
Kho bạc dự chi gần 55.000 tỷ mua lại trái phiếu chính phủ trong quý III
Trong năm 2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã bắt đầu tiến hành việc mua lại trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn bằng tiền nhàn rỗi, một hình thức bơm thanh khoản cho thị trường.
Ngày 13/7 đã đánh dấu phiên đấu thầu đầu tiên KBNN tổ chức mua lại TPCP có kỳ hạn bằng nguồn tiền nhàn rỗi. Tại phiên này, KBNN gọi thầu 800 tỷ đồng TPCP với kỳ hạn mua lại là 14 ngày. Có 5 thành viên tham gia chào giá, tổng khối lượng chào giá đạt 1.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối lượng trúng thầu mua mới đạt 300 tỷ đồng với hai thành viên trúng thầu.
Trong tuần này (6/9 - 10/9), KBNN liên tiếp mở thêm các đợt mua mới với kỳ hạn phổ biến nhất là 14 và 21 ngày; kỳ hạn ngắn nhất là 7 ngày và dài nhất là 3 tháng.
Về quy mô, KBNN cho biết khối lượng giao dịch các phiên sẽ công bố cụ thể theo mỗi phiên, còn riêng trong quý III này tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP là 54.760 tỷ đồng.
Đây là một trong 4 nghiệp vụ về quản lý nguồn ngân quỹ nhà nước (NQNN) tạm thời nhàn rỗi được quy định tại Nghị định số 24/2016.
Theo KBNN, về cơ bản, hoạt động này sẽ không tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vì nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP của KBNN là tiền trong lưu thông, tương tự như nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng.
Mặt khác, nghiệp vụ mua lại TPCP không chỉ góp phần hoàn thiện thị trường TPCP với các nghiệp vụ mới, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy các giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp mà còn hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên thị trường.
Theo đó, nguồn tiền mới sẽ chảy ra khi các chủ sở hữu TPCP bán lại cho KBNN để lấy nguồn đưa vào thị trường.
Thay đổi phương thức mua ngoại tệ tạo nguồn cung tiền tức thời
Vừa qua, NHNN cũng đã thay đổi phương thức mua ngoại tệ, từ kỳ hạn 6 tháng sang mua bán giao ngay.
Với phương thức này, nếu tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch ngày hôm nay, thì sau 2 ngày sẽ nhận được tiền luôn từ NHNN, trong khi mua kỳ hạn là phải sau 6 tháng giao dịch mới nhận được tiền. Điều này có thể tạo ra nguồn cung mới và tức thời cho thị trường, theo nhận định của giới phân tích.
Cũng theo góc nhìn của các chuyên gia, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện đang dồi dào, phản ánh rõ nhất qua mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng rất thấp, ở mức dưới 1%/năm ở các kỳ hạn ngắn.
Không những vậy, trong hai tháng quá, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD; tương đương với việc thị trường đã đón nhận thêm hơn 127.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ. Việc được bổ sung lượng tiền lớn đã giúp trạng thái dồi dào thanh khoản hệ thống tiếp tục được củng cố.
Với diễn biến này, đồng nghĩa với việc các ngân hàng ít có nhu cầu huy động vốn từ khách hàng hơn nhằm tránh áp lực chi phí vốn, đặc biệt trong bối cảnh các nhà băng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay trong thời gian vừa qua. Song song, điều này cũng giúp các nhà băng có thêm dư địa giảm lãi suất huy động, qua đó, có thêm điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.