|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thêm hai công ty bảo hiểm ước tính bồi thường hàng trăm tỷ sau bão Yagi

16:03 | 11/09/2024
Chia sẻ
Bảo hiểm PTI ước tính hơn 300 vụ tổn thất do bão Yagi với mức bồi thường trên 150 tỷ đồng. Bảo hiểm Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan tới các nghiệp vụ xe cơ giới, tài sản, hàng hải… ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Theo thông tin từ phía Bảo hiểm Bưu điện (PTI), tính đến 18h ngày 9/9, công ty đã ghi nhận 65 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; 273 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người hiện chưa ghi nhận trường hợp mất tích hoặc tử vong. Ước tính số tiền bồi thường không dưới 150 tỷ đồng.

Đại diện công ty cho biết các tổn thất sẽ còn được tiếp tục cập nhật và cam kết nỗ lực hỗ trợ khách hàng nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống.

Theo báo cáo tài chính đã soát xét, nửa đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PTI đạt 258 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm là gần 235 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mảng tài chính là gần 86 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết tính đến ngày 10/9, theo thống kê chưa đầy đủ, công ty đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan tới các nghiệp vụ xe cơ giới, tài sản, hàng hải… ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. 

Đối với các địa bàn đang ngập sâu trong lũ như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… số liệu về thiệt hại vẫn chưa thể thống kê đầy đủ.

Cập nhật đến ngày 10/9, Bảo hiểm hàng không (VNI) thông tin rằng đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 200 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng hóa, tàu thuyền chưa bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người.

Số liệu trên mới chỉ là ước tính sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trước đó, một loạt doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đã công bố những con số thiệt hại. Tính tới chiều ngày 10/9/2024, theo báo cáo sơ bộ từ một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản kỹ thuật và xe cơ giới cao trên thị trường, đã có 1.754 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do bão Yagi gây ra.

Theo đó, về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 684 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 220 vụ, Bảo hiểm VietinBank (VBI) 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, Bảo hiểm Agribank (ABIC) 29 vụ, PJICO 107 vụ.

Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các doanh nghiệp ghi nhận 1.070 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ. 

Ngoài ra, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng ghi nhận 350 vụ tổn thất tài sản và 7 trường hợp khách hàng tử vong/mất tích.

Nhân viên Bảo hiểm Agribank hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bão Yagi. (Ảnh: ABIC).

Ngoài ra, tính đến chiều muộn 10/9, đã có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 15 trường hợp khách hàng thương vong và số tiền ước chi trả và hỗ trợ ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng. 

Cụ thể, cập nhật đến 13h30 ngày 9/9, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do bão Yagi, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và một khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỷ đồng.

Bảo hiểm Dai-ichi Life, xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở ở Yên Bái, số tiền ước tính chi trả là 2,7 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Bảo hiểm Sunlife cũng ghi nhận một trường hợp, với số tiền ước tính chi trả khoảng 260 triệu đồng; Bảo hiểm Generali ghi nhận một trường hợp, số tiền ước tính chi trả khoảng 20 triệu đồng; Bảo hiểm Cathay cũng ghi nhận một vụ, số tiền chi trả khoảng 30 triệu đồng; với số tiền ước tính chi trả khoảng 30 triệu đồng; Bảo Việt cũng có một vụ do lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc gây ra, với số tiền ước tính chi trả khoảng 210 triệu đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm khác như Manulife, Prudential, Chubb, Shinhan Life, Phú Hưng, MAP, FWD, FWDA, MB Ageas, Hanwha Life, Fubon cũng đã rà soát, song chưa ghi nhận khách hàng nào thông báo bị thiệt hại từ các sự kiện trên.

Tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.

Trước đó, vào ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9. 

Minh Quang