|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Số tiền bồi thường thiệt hại do bão Yagi của doanh nghiệp bảo hiểm đã vượt quá 1.000 tỷ đồng

20:56 | 10/09/2024
Chia sẻ
Số liệu sơ bộ từ 6 doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy số tiền bồi thường thiệt hại do bão Yagi đã vượt quá con số 1.000 tỷ đồng. Tổng số vụ tổng thất ước tính là khoảng 1.900 vụ.

Một phần nhà máy của LG Electronics tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng ngày 9/9. (Ảnh: Minh Nguyen/Reuters). 

Trong hai ngày 6 và 7/9, cơn bão số 3 (Yagi) đã đổ bộ vào miền Bắc, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, hàng loạt tỉnh thành miền Bắc mưa lớn, lũ dâng cao gây tình trạng ngập úng diện rộng. 

Ngay sau khi cơn bão đi qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện những bước đầu để ước tính thiệt hại và số tiền bồi thường do tổn thất do bão gây ra. Tính đến nay, đã có 6 doanh nghiệp công bố số liệu ước tính về tác động của bão Yagi. 

Mới đây nhất, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết tính đến sáng ngày 10/9, công ty ghi nhận tổng cộng 437 vụ yêu cầu bồi thường liên quan đến cơn bão số 3.

Các yêu cầu bồi thường chủ yếu liên quan đến các loại hình tổn thất về: bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa. Dựa trên đánh giá sơ bộ, tổng giá trị tổn thất của các vụ bồi thường ước tính lên tới gần 385 tỷ đồng. 

Bảo Hiểm Bảo Việt thông tin thêm rằng đang tích cực làm việc để đánh giá và xử lý các yêu cầu bồi thường nhằm hỗ trợ  cho tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão. Đồng thời, công ty cũng đã nhanh chóng triển khai các phương án tạm ứng bồi thường tới khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có thiệt hại nhằm hỗ trợ khách hàng sớm ổn định và quay lại sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Bảo hiểm Vietinbank (VBI) thông tin rằng tính đến chiều ngày 9/9/2024, công ty đã ghi nhận trên 400 vụ tổn thất trên các nghiệp vụ tài sản, hàng hải và xe cơ giới, số tiền bồi thường ước tính hàng trăm tỷ đồng. Hiện số liệu này vẫn đang tiếp tục được cập nhật. 

Theo bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Bảo hiểm VietinBank cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với các bên liên quan để xác định tổn thất, đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng, giúp hỗ trợ đời sống và ổn định hoạt động kinh doanh cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Các doanh nghiệp bao gồm PVI, BIC, AIA và Bảo Việt ước tính số tiền bồi thường là 912 tỷ đồng, VBI ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

Bảo hiểm BIDV (BIC) thông báo tính đến 9h ngày 10/9, thông qua các đơn vị thành viên trên toàn quốc và hotline, công ty ghi nhận gần 500 vụ tổn thất. Trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng. Số liệu thiệt hại sẽ được BIC tiếp tục cập nhật. 

Trước đó, Bảo hiểm AIA Việt Nam (AIA) cho biết, tính tới 13h30 ngày 9/9, ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do bão. Tổng quyền lợi bảo hiểm của những khách hàng trên tại là khoảng 6,5 tỷ đồng. Sau khi xác nhận bước đầu, công ty chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này.

Đại diện Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) thông tin rằng tính đến đầu giờ chiều ngày 9/9, công ty đã ghi nhận gần 100 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; 250 vụ tổn thất về xe cơ giới. Nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận 6 trường hợp mất tích một trường hợp tử vong.

Tính đến sáng ngày 9/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng (chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người). Bảo hiểm PVI đang chủ động phối hợp với các bên liên quan xử lý tổn thất với thời gian nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. 

Trong ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng.

Theo đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9. 

 

Minh Quang

Nóng mùa ESOP, có lãnh đạo được nhận giá trị cổ phiếu lên tới hơn trăm tỷ
Nhằm giữ chân, thu hút nhân tài, nhiều doanh nghiệp niêm yết luôn duy trì chính sách ESOP. Việc chào bán ESOP cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn tiền cho hoạt động đầu tư đồng thời ESOP sẽ hiệu quả về thuế hơn cho với trả thưởng tiền mặt cho cả doanh nghiệp và người lao động. Song chính sách này cũng gây xung đột lợi ích cho cổ đông.