|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bảo hiểm BIC ghi nhận gần 500 vụ tổn thất, ước bồi thường 200 tỷ đồng

16:23 | 10/09/2024
Chia sẻ
Bảo hiểm BIDV cho biết ước tính sơ bộ đã có gần 500 vụ tổn thất, trong đó 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng.

Trong thông cáo mới đây, Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC - Mã: BIC) cho biết tính đến 9h ngày 10/9/2024, thông qua các đơn vị thành viên trên toàn quốc và hotline, công ty ghi nhận gần 500 vụ tổn thất.

Trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng. Số liệu thiệt hại sẽ được BIC tiếp tục cập nhật.

BIC cũng cho biết, nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão, công ty đã thực hiện tăng cường, bổ sung lực lượng cán bộ giám định bồi thường từ Trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại. 

Hotline 1900 9456 của BIC cũng đã được bổ sung nhân sự, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bảo hiểm.

Trước đó, ngay khi có thông tin về bão Yagi, công ty cũng đã gửi các thông tin khuyến cáo tới khách hàng thông qua hệ thống Zalo OA và các phương tiện truyền thông, hướng dẫn khách hàng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại. 

Cây đổ tại Hải Phòng do bão Yagi. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng).

Ngoài, BIC, một số doanh nghiệp bảo hiểm như PVI, AIA, BSH cũng đã có những thống kê sơ bộ về thiệt hại của cơn bão Yagi. Cụ thể, Bảo hiểm AIA Việt Nam (AIA) cho biết, tính tới 13h30 ngày 9/9, ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do bão. 

Tổng quyền lợi bảo hiểm của những khách hàng trên tại là khoảng 6,5 tỷ đồng. Sau khi xác nhận bước đầu, công ty chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này.

Đại diện Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) thông tin rằng tính đến đầu giờ chiều ngày 9/9, công ty đã ghi nhận gần 100 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; 250 vụ tổn thất về xe cơ giới. Nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận 6 trường hợp mất tích một trường hợp tử vong.

Tính đến sáng ngày 9/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng (chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).

Bảo hiểm PVI đang chủ động phối hợp với các bên liên quan xử lý tổn thất với thời gian nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Các doanh nghiệp khác như Bảo Việt, MIC … cũng đã có thông báo về việc rà soát tổng thất do bão Yagi gây ra.

Trong ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng.

Theo đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9. 

Minh Quang

Nóng mùa ESOP, có lãnh đạo được nhận giá trị cổ phiếu lên tới hơn trăm tỷ
Nhằm giữ chân, thu hút nhân tài, nhiều doanh nghiệp niêm yết luôn duy trì chính sách ESOP. Việc chào bán ESOP cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn tiền cho hoạt động đầu tư đồng thời ESOP sẽ hiệu quả về thuế hơn cho với trả thưởng tiền mặt cho cả doanh nghiệp và người lao động. Song chính sách này cũng gây xung đột lợi ích cho cổ đông.