Nhà xưởng bị hỏng, ô tô bị cây đè sau bão Yagi có được bảo hiểm bồi thường?
Cơn bão Yagi (bão số 3) đã gây thiệt hại nặng nề cho các khu vực phía Bắc Việt Nam. Theo thống kê, hàng nghìn ngồi nhà bị hư hại, cơ sở sản xuất kinh doanh, hàng loạt nhà xưởng, văn phòng làm việc bị phá hỏng,nhiều bến thuyền, bến cảng xơ xác sau bão,...
Theo thống kê ban đầu từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng, 113.593 ha lúa, 22.047 ha hoa màu bị ngập úng, 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại, 121.668 cây xanh bị gãy đổ,...
Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng nhiều phương tiện vận tải, ô tô của người dân cũng bị hư hỏng do cây đổ, ngập úng,...
Liệu những thiệt hại về nhà cửa, ô tô hay các phương tiện khác có được các công ty bảo hiểm bồi thường là câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này.
Nhà cửa bị hư hỏng, ô tô bị cây đè có được bảo hiểm bồi thường?
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Như Hải - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Quân đội (MIC), doanh nghiệp Top 5 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, cho biết ngay sau bão công ty đã chủ động cử cán bộ liên hệ khách hàng để đến ngay hiện trường những khu vực xảy ra thiệt hại, đặc biệt là những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Hải Phòng, Quảng Ninh....
Từ đó, trực tiếp nắm bắt được tình hình tổn thất, giám đinh và xử lý bồi thường. Đồng thời, phối hợp cùng khách hàng hướng dẫn các biện pháp để hỗ trợ khắc phục hậu quả nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh.
"Với trường hợp tham gia bảo hiểm cho nhà xưởng, tài sản, tàu bè, hàng hóa, nếu bị thiệt hại do bão số 3-Yagi gây ra, chúng tôi cần kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm của khách hàng đảm bảo: Phạm vi bảo hiểm có bao gồm rủi ro "Giông, bão, lũ lụt", danh sách tài sản tham gia bảo hiểm, mức khấu trừ áp dụng với rủi ro giông bão, lũ lụt... Nếu trong hợp đồng quy định thì sẽ được xem xét bồi thường dựa trên quy tắc bảo hiểm (hợp đồng bảo hiểm)", ông cho hay.
Chia sẻ cụ thể hơn về các trường hợp ô tô bị cây đè hoặc vật khác (như mái tôn, tường đổ,…), ngập nước làm hỏng, ông Hải cho hay theo quy tắc bảo hiểm vật chất xe ô tô của MIC thì những tai họa bất ngờ, bất khả kháng do thiên nhiên gây ra như bão; lũ; ngập lụt; sạt lở... là thuộc phạm vi bảo hiểm.
Với những trường hợp này, mức bồi thường theo thiệt hại thực tế không vượt quá số tiền bảo hiểm và phụ thuộc vào các điều khoản cụ thể của khách hàng tham gia trong hợp đồng.
Cụ thể gồm căn cứ mức độ thiệt hại thực tế do công ty bảo hiểm và chủ xe thực hiện giám định ghi nhận; Căn cứ báo giá sửa chữa, khắc phục hư hỏng của các đơn vị sửa chữa; Căn cứ điều kiện, điều khoản liên quan đến hợp đồng bảo hiểm xe đang tham gia.
Luật sư Trương Thanh Đức, Luật sư Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho hay việc xác định thiệt hại do bão Yagi có thuộc trường hợp được yêu cầu bảo hiểm hay không, phải tùy thuộc vào doanh nghiệp, cá nhân có tham gia những loại hình bảo hiểm thiên tai hay không và các khoản mục hợp đồng bảo hiểm chi tiết được ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm với tổ chức, cá nhân cụ thể.
Có thể hiểu rằng, không phải cá nhân, doanh nghiệp nào bị thiệt hại trong bão Yagi đều được bảo hiểm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra. Để được được bảo hiểm bồi thường, họ cần phải tham gia các gói bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm thiên tai trước đó.
Đối với thiệt hại do thiên tai, chỉ những doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký bảo hiểm có mở rộng phạm vi bảo vệ cho thiên tai, bão lũ mới được xem xét bồi thường, những thiệt hại không có trong điều khoản hợp đồng, sẽ không được chi trả.
Theo Khoản 26 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Tại hợp đồng bảo hiểm vật chất/quy tắc bảo hiểm xe cơ giới quy định rất rõ các rủi ro được bảo hiểm, phạm vi bồi thường và cả các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Xe bị ngập nước do thiên tai là trường hợp bất khả kháng (bao gồm nhưng không giới hạn bão lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sóng thần,... ) đều thuộc trường hợp được bảo hiểm. Trường hợp ngập lụt gây ra cho cả một vùng rộng lớn khiến xe có mua bảo hiểm vật chất bị ngập nước gây ra thiệt hại thuộc trường hợp được bảo hiểm bồi thường thiệt hại.
Mới đây nhất, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng vừa đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng.
Theo đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9.
Cần có thêm bảo hiểm cho lĩnh vực nông nghiệp
Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá rằng mặc dù có thiệt hại nặng nề nhưng cơn bão lần này không tác động nhiều đến khả năng bồi thường của các công ty bảo hiểm do nhìn chung sơ bộ cơn bão chủ yếu là cây cối đổ, nhà cửa người dân hư hỏng, tuy nhiên rất ít người mua bảo hiểm ở khoản mục này.
Ông cho biết thêm, các trường hợp tàu bè chìm đắm, hư hỏng ngoài biển có thể sẽ được xem xét bồi thường khi có tham gia bảo hiểm. Việc này được quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm, bao gồm cả các điều khoản liên quan đến phạm vi bảo hiểm và mức miễn trừ.
Trường hợp ô tô bị cây đè, ngập nước làm hỏng cũng phải căn cứ cụ thể vào thời gian, giá trị bảo hiểm, loại hình tham gia bảo hiểm, kích thước mô tả cụ thể đối với các hợp đồng để căn cứ bồi thường.
Ngoài ra, Luật sư còn nhấn mạnh rằng ảnh hưởng cơn bão vừa qua nền nông nghiệp thiệt hại mạnh, lúa gạo cũng như thuỷ hải sản đều chịu sự thất thoát lớn.
Tuy nhiên, bảo hiểm về nông nghiệp (tôm, cá, ruộng lúa,...) đã triển khai bán sản phẩm, nhưng phần lớn người dân chưa tham gia nhiều và chưa phát huy được tác dụng do rào cản về chi phí, chi phí bảo hiểm quá lớn đối với phạm vi khả năng, quy mô sản xuất của người dân.
Ngoài ra, nền nông nghiệp Việt Nam thường phải gánh chịu nhiều thiên tai, bão lũ. Do đó, các công ty bảo hiểm rủi ro cũng rất lớn, cho nên các công ty chỉ chấp nhận khi có mức phí đủ lớn đối với sản phẩm này.