|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thêm giải pháp mới kỳ vọng khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp địa ốc từ quý III/2023

08:02 | 06/03/2023
Chia sẻ
Những khó khăn trên thị trường bất động sản đang được Chính phủ hỗ trợ tìm hướng ra. Theo đó, một trong những thay đổi được mong chờ nhất đó là những quy định mới liên quan đến phát hành trái phiếu đã được ban hành chính thức.

(Ảnh minh họa: H.L).

Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý là cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá hai năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).

Nghị định số 08 cũng bổ sung quy định: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác,...

Theo đánh giá của Chứng khoán VNDirect, những thay đổi trọng yếu nói trên sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn trong môi trường lãi suất cao, việc giãn nợ sẽ giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục để thu về lợi nhuận và hoàn thành nghĩa vụ nợ. Ngoài ra, việc cho phép trả nợ bằng tài sản cũng giúp các doanh nghiệp tránh vỡ nợ cũng như xoa dịu trái chủ nếu giá trị tài sản thỏa đáng.

“Việc lùi thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn nhưng không quá 2 năm so với kỳ hạn công bố ban đầu sẽ giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp từ quý III/2023”, Chứng khoán Mirae Asset dự báo.

Ngoài ra, còn một thông tin tích cực khác đó là Ngân hàng Nhà nước đang xem xét việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn với đối tượng và thời hạn phù hợp. Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã đề nghị Bộ Xây dựng rà soát để xem kỹ hơn phân khúc nào, nhóm nào sẽ được ưu tiên.

Gỡ vướng pháp lý, khơi thông dòng tiền

TP HCM đang tích cực tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản. Từ đầu năm đến nay, TP đã tổ chức ba cuộc họp vào các ngày 15/2, 20/2 và 1/3 với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe những vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.

Tại cuộc họp ngày 15/2, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo 19 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản và thống nhất với ý kiến tham mưu của Sở Xây dựng về việc đề xuất phân nhóm vướng mắc và giao cho từng Sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết.

Đến ngày 20/2, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường cùng lãnh đạo các Sở, ngành đã trực tiếp làm việc với từng lãnh đạo của 6 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản để giải quyết vướng mắc của 7 dự án bất động sản.

Theo kết luận cuộc họp này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường thống nhất các đơn vị chịu trách nhiệm, phương án và thời hạn tháo nút thắt pháp lý cho 4 dự án trong số 7 dự án được xem xét.

Cụ thể, gồm: Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7; Dự án chung cư Cửu Long, số 1 Tôn Thất Thuyết, Phường 1, quận 4; Dự án Khu nhà ở Thiên Lý, phường Phước Long B, TP Thủ Đức; Dự án chung cư Cô Giang, quận 1.

Tại Hội nghị toàn quốc về bất động sản do Thủ tướng chủ trì vừa qua cũng đã chỉ ra khó khăn của bất động sản hiện nay chủ yếu là vấn đề pháp lý (chiếm 70%). Nếu những khó khăn pháp lý này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản, từ đó góp phần tăng tín dụng chung cho nền kinh tế.

Phía NHNN cũng cho biết đang triển khai đồng loạt các Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố để làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng, để từ đó phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), thị trường bất động sản quý I/2023 đang có tín hiệu tích cực khi cơ quan quản lý triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ bằng nhiều văn bản quy định pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đảm bảo được “sức khỏe” thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai các dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng và hấp thụ dễ hơn.

Trong quý II/2023, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi và xử lý những vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư với các dự án nhóm nhà ở gồm: Các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng tiết lộ, một bộ cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản đang được bàn luận. Bộ này sẽ lấy kinh nghiệm từ thực tiễn, gặp mặt các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm vấn đề. Bên cạnh đó là tham khảo những kinh nghiệm quốc tế,...

Ngoài ra, ông Lực cho rằng, nếu tháo gỡ được vấn đề trước mắt là pháp lý thì ngay lập tức hàng trăm dự án được giải toả và dòng tiền từ đó mà ra. Quan trọng hơn, pháp lý là niềm tin, tháo gỡ sẽ củng cố niềm tin một cách mạnh mẽ.

Hà Lê