|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp đề xuất nâng định mức lợi nhuận làm nhà ở xã hội lên 15%

15:52 | 03/03/2023
Chia sẻ
Doanh nghiệp cho rằng định mức lợi nhuận tối đa là 10% như quy định hiện nay thì hầu như các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không có lợi nhuận.

Trong buổi Hội nghị góp ý về Thông tư phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) đến năm 2030 diễn ra vào sáng ngày 2/3, nhiều doanh nghiệp đã nêu ý kiến cho rằng cần tăng lợi nhuận định mức cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.  

Theo ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Bất động sản Thắng lợi (Thắng Lợi Group), nếu vẫn giữ lợi nhuận định mức 10% với chủ đầu tư dự án NƠXH thì nhà nước cần có chính sách thưởng cho doanh nghiệp sau khi dự án được hoàn thành, ví dụ như thêm 5% lợi nhuận. 

"Với những doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn như Thắng Lợi Group, việc cho cổ đông thấy được tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp là rất quan trọng", ông Thành nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Thắng Lợi Group đề xuất với quỹ đất doanh nghiệp đã mua khi làm dự án NƠXH, nhà nước tính toán đưa vào chi phí thực tế của doanh nghiệp chứ không thể áp dụng theo bảng giá của nhà nước. Bởi, nếu áp dụng theo bảng giá của nhà nước thì doanh nghiệp không thể nào bù được phần chênh lệch.

Ông Dương Long Thành, Chủ tịch Thắng Lợi Group. (Ảnh: VNRea).

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC), cho biết theo quy định hiện hành, chủ đầu tư được dành 20% diện tích sàn của dự án NƠXH. Trong khi đó, định mức lợi nhuận chỉ có 10% nên các chủ đầu tư phân khúc này hầu như không có lợi nhuận.

Sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc vào năm 2016, ông cho biết Hoàng Quân đã gặp không ít khó khăn và điều đó đã thể hiện trong kết quả kinh doanh của công ty. Doanh nghiệp phải đi vay với mức lãi suất thông thường, bào mòn thêm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do đó, Chủ tịch của Hoàng Quân kiến nghị để các doanh nghiệp bất động sản mặn mà hơn trong việc phát triển NƠXH, cần nới định mực lợi nhuận của chủ đầu tư lên 15%. 

"Nhà nước đừng quá lo việc doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội sẽ lời nhiều, quy luật cạnh tranh sẽ bù trừ lại", ông Tuấn nêu quan điểm.

Ngoài ra, vấn đề xác định đối tượng được mua NƠXH cũng là một vấn đề khiến các chủ đầu tư lo ngại. Ông Tuấn cho biết 80% người mua nhà ở xã hội đi hết sau hai năm, tức là nhà ở xã hội đang giao cho không đúng đối tượng. Điều này làm mất đi ý nghĩa của nhà ở xã hội.

Trong khi đó, ông Thành đề cập có nhiều trường hợp lúc đăng ký mua NƠXH thì thuộc diện theo quy định nhưng đến khi dự án hoàn thành, đến giai đoạn cấp sổ hồng thì người mua lại không còn nằm trong diện quy định nữa.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cho rằng chính quyền cần quyết liệt hơn trong vấn đề xác định đối tượng mua NƠXH. Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi, quy định cụ thể và sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ.

Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn các cơ chế chính sách sớm được tháo gỡ, chính sách mới sớm được ban hành và đưa vào thực tiễn.  

Theo Khoản 1, Điều 21, Nghị định 100 năm 2015 của Chính Phủ: "Giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước quy định tại Điều 58 của Luật Nhà ở vào giá bán nhà ở xã hội". 

Đăng Nguyên