|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sẽ có hai gói tín dụng lớn cho nhà ở xã hội, người thu nhập thấp?

12:05 | 20/02/2023
Chia sẻ
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được NHNN cùng với 4 “ông lớn” (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) thống nhất triển khai trong thời gian tới. Còn gói 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất còn phải chờ phê duyệt.

(Ảnh minh họa: H.L).

Gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013  như một làn gió ấm thổi vào thị trường bất động sản đang nguội lạnh. Đây là chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Theo đó, 70% ngân sách gói hỗ trợ này được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm. 30% còn lại dành cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Lãi suất áp dụng trong năm 2013 là 6% (năm 2016 là 5%).

Về nguyên tắc cho vay, NHNN thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11. Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Mặc dù vậy, gói tín dụng sau đó đã nhiều lần phải điều chỉnh nội dung liên quan đến điều kiện, đối tượng vay vốn, lãi suất, các thủ tục xác nhận,...  Theo số liệu của NHNN, năm 2016, chương trình ưu đãi kết thúc với doanh số cho vay trên 29.000 tỷ đồng.

Vẫn phải nói rõ, tại thời điểm lúc bấy giờ, đây không phải là gói giải cứu thị trường bất động sản mà nó nằm trong tổng thể các giải pháp của Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh,…

Như Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó là ông Vũ Đức Mạnh cho biết, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ là một trong những giải pháp tổng thể và nhắm tới những đối tượng theo chiến lược nhà ở. Gói này sẽ tác động tích cực đến những người có thu nhập thấp có được chỗ ở phù hợp. Và sự ấm dần của phân khúc nhà ở thu nhập thấp sẽ có tác động lan toả đến toàn thị trường.

Sau một thập kỷ (kể từ lần đóng băng thứ ba), thị trường bất động sản lại cần đến các gói tín dụng hỗ trợ.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Cụ thể, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi. Đối với người mua NOXH, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách cá nhân là người mua, thuê mua NOXH, nhà ở công nhân.

Đánh giá về đề xuất trên của Bộ Xây dựng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp giảm tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường bất động sản.

“Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng,…và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác”, Thống đốc đặt vấn đề.

Vị này cũng thông tin thêm, NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank). Các ngân hàng này cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Thống đốc cho biết, NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. "Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Như vậy, có thể hiểu, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đề xuất được triển khai theo phương thức tái cấp vốn. Và gói này vẫn chưa được thông qua. Còn gói 120.000 tỷ là chương trình cam kết của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với lãi suất ưu đãi (thấp hơn thị trường), chi tiết phân bổ chưa được nêu rõ. Mặc dù vậy, NHNN cho biết sẽ cho các tổ chức tín dụng tham gia gói này vay bù đắp trong trường hợp thiếu hụt trong thanh toán.

Bộ Xây dựng cho biết, gói 110.000 tỷ sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng được tung ra vào năm 2013 khi thị trường bất động sản đang đóng băng. Còn gói 120.000 tỷ cũng có cùng mục đích là cho vay đối với phân khúc nhà ở giá rẻ (cả đối tượng thu nhập thấp) nhưng lãi suất cho vay có thể sẽ cao hơn gói 110.000 tỷ.

Tóm lại, nếu đề xuất của Bộ Xây dựng được chấp thuận, thị trường bất động sản có thể sẽ có hai gói tín dụng dành cho phát triển nhà ở giá rẻ.

Theo dự thảo nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội (trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật nhà ở sửa đổi). 

Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới năm 2030, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho ngân hàng thương mại theo hình thức tái cấp vốn. Chủ đầu tư được vay ưu đãi 50% của gói và số còn lại là người mua nhà vay. 

Hà Lê