Thêm công ty làm dịch vụ cảng biển sắp lên sàn, 'gà đẻ trứng vàng' của Tân Cảng Sài Gòn có gì đặc biệt?
Tân Cảng Sài Gòn sở hữu hơn 35% vốn
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch 26,5 triệu cổ phiếu TOS của CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng. Mức giá chào sàn và ngày chính thức đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM chưa được công bố.
Theo tìm hiểu, Dịch vụ biển Tân Cảng được thành lập vào năm 2012 với vốn điều lệ 91,5 tỷ đồng với ba cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Một Thành Viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, CTCP Hàng Hải Á Châu và ông Lê Đăng Phúc.
Sau ba lần tăng vốn bằng hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Dịch vụ biển Tân Cảng tăng lên 265 tỷ đồng.
Tính đến ngày 25/5, Dịch vụ biển Tân Cảng có 157 cổ đông, trong đó chỉ có một cổ đông tổ chức là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 35,28%. Nhà đầu tư nước ngoài không sở hữu cổ phần của công ty.
Về sở hữu của ban lãnh đạo, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc của TCT Tân Cảng Sài Gòn đại diện 35,28% vốn và sở hữu 10.617 cổ phần, tương đương 0,04% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT nắm giữ 245.000 cổ phần, tương đương 0,9245% vốn. Ngoài ra, mẹ đẻ và chị gái ông Sơn cũng sở hữu lần lượt 3,54% và 2,77% vốn điều lệ của công ty.
Theo công bố, ông Lê Đăng Phúc, Tổng Giám đốc sở hữu lớn nhất. Trong đó, sở hữu cá nhân hơn gần 1,26 triệu cp, tương đương 4,75% vốn. Những người có liên quan của ông Phúc nắm giữ hơn 1,8 triệu cp (6,93% vốn), gồm mẹ (939.167 cp), em trai (81.667 cp) và chị gái (816.667 cp). Bà Nguyễn Thị Yến, vợ ông Vũ Quang Tiến, kế toán trưởng của công ty nắm giữ 137.567 cp (0,52%).
Thông tin về bộ máy hoạt động của Dịch vụ biển Tân Cảng, công ty có 4 công ty con gồm CTCP Dịch vụ bay và Dịch vụ biển Tân Cảng, CTCP Tân Cảng Kiên Giang, CTCP Tân Cảng Miền Bắc và CTCP Cung ứng TCOTS - Cát Lái. Ngoài ra còn có hai công ty liên kết là CTCP Du lịch và Giải trí Sài Gòn Today và CTCP Tân Cảng Quế Võ.
Tài sản của công ty gồm có Tàu Anehor Handing Tug Supply Vessel, Tàu Platform Supply Vessel, tàu kéo/tàu Azimuth, sà lan và thiết bị khảo sát ngầm. Tại ngày 30/6, tổng giá trị tài sản cổ định và tổng tài sản của công ty là 1.046 tỷ đồng và 1.828 tỷ đồng.
Dịch vụ biển Tân Cảng đang kinh doanh ra sao
Hoạt động kinh doanh chính của công ty gồm các mảng dịch vụ ngoài khơi, cho thuê tài sản, khảo sát ngầm và hỗ trợ điện gió ngoài khởi. Cụ thể với các dịch vụ như cung cấp tàu dịch vụ dầu khí, dịch vụ lai dắt, cứu hộ trên diển 24/7, khảo sát công trình ngầm...
Cơ cấu doanh thu cụ thể, dịch vụ ngoài khơi và cho thuê tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty. Năm 2020, doanh thu từ hai mảng này lần lượt là 582,1 tỷ đồng và 334,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lần lượt 44,08% và 25,35%. Trong nửa đầu năm nay, hai mảng này vẫn đóng góp chính vào doanh thu của công ty.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 631,1 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Nhờ cắt giảm chi phí tài chính, công ty báo lãi trước thuế 77,5 tỷ đồng, tăng 15,6% so với nửa đầu năm 2020.
Mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng về lợi nhuận trong những năm gần đây, Dịch vụ biển Tân Cảng duy trì việc trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm. Kể từ năm 2017, công ty trả cổ tức băng tiền với tỷ lệ 23% (2.300 đồng/cp).
Trước thời điểm lên sàn chứng khoán, công ty chốt quyền trả cổ tức tiền mặt năm 2020 vào ngày 15/6 vừa qua. Năm 2021, công ty dự kiến nâng tỷ lệ cổ tức lên 25%. Tại ngày 30/6, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty là 121,3 tỷ đồng.
Thông tin thêm về tình hình tài chính của Dịch vụ biển Tân Cảng, tính đến cuối tháng 6, công ty đang có khoản vay ngắn hạn ngân hàng 94,3 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là hơn 587 tỷ đồng, gồm 375,5 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng (MBBank, Việt - Nga, Shinhan Bank và VietinBank) và 210,9 tỷ đồng vay dài hạn của các cá nhân.