|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thế khó trong đấu thầu vàng

13:28 | 24/04/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nên giảm mức giá khởi điểm xuống khoảng 80 triệu đồng mỗi lượng để tạo sự hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng tích cực hơn.

Giá vàng biến động mạnh khiến doanh nghiệp chần chừ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện thành công phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm vào sáng ngày 23/4. Tuy nhiên, lượng vàng bán ra rất thấp so với mức chào thầu, chỉ có 3.400 trên tổng số 16.800 lượng vàng (tương đương khoảng 20%) được bán với giá sát mức sàn là 81,3 triệu đồng/lượng.

Mức giá này cao hơn 500.000 đồng so với mức giá tham chiếu để đặt cọc và thấp hơn khoảng 1 triệu đồng so với giá nhà vàng bán ra cho thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng mức giá sàn cao chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu tỏ ra lưỡng lự vẫn đến tình trạng vàng miếng “ế” khách.  

“Mức giá khởi điểm ở phiên đấu thầu hôm 23/4 vẫn còn sát với giá thị trường chưa tạo ra được sự hấp dẫn với các thành phần tham gia. Họ trong trạng thái chờ đợi và nghe ngóng thay vì đưa ra một quyết định dứt khoát”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ với chúng tôi. Theo ông, mức giá khởi điểm nên hạ xuống khoảng 80 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra một điểm làm giảm khả năng tham gia của các bên vào đấu thầu vàng là do lượng mua tối thiểu vẫn còn cao. Với khối lượng như vậy, khi các doanh nghiệp, ngân hàng tham gia nếu trúng thầu mà giá giảm xuống thì sẽ chịu rủi ro thu lỗ lớn.

Theo quy chế đấu thầu vàng của phiên hôm qua, khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng), ước tính giá trị tương đương khoảng gần 114 tỷ đồng.

Phiên đấu thầu vàng cũng diễn ra trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục giảm mạnh kéo theo giá trong nước cũng giảm. Các doanh nghiệp, ngân hàng tham dự buổi đấu thầu sẽ theo dõi diễn biến giá trực tiếp trên màn hình để đưa ra quyết định trong vòng 30 phút. 

Trong ngày ngày 23/4, giá vàng thế giới mất mốc 2.300 USD xuống 2.294 USD/ounce - mức thấp nhất trong hơn 2 tuần qua. Giá vàng trong nước ở phiên đấu thầu hôm 23/4 có thời điểm giảm xuống sát mốc 82 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tức chỉ cách mức giá sàn khoảng 700.000 - 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC mà các doanh nghiệp mua từ người dân thậm chí ở mức thấp hơn nhiều so với giá đấu thầu, khoảng 79,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, mức giá sàn bỏ thầu được đánh giá chưa đủ để tạo ra biên lợi nhuận hấp dẫn với các doanh nghiệp. 

 Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 tháng qua (USD/ounce. (Nguồn: Tradingeconomics)

Chuyên gia này cho rằng cả Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp tham gia dự thầu đều trong thế khó trong việc vừa đảm bảo tính ổn định thị trường vàng, vừa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, ngân hàng tham gia mạnh mẽ hơn.

“Tôi cho rằng rất khó để đưa ra mức giá tối thiểu phù hợp nhất cho đấu thầu vàng ở thời điểm này. Giá vàng trong phiên đấu thầu hôm qua biến động mạnh khiến doanh nghiệp chần chừ. Họ không chắc giá mình bỏ thầu phù hợp hay không hay giá còn xuống nữa. Đây là thời điểm họ rất khó quyết định”, ông Hiếu nói. 

Theo ông, có thể NHNN không muốn đưa ra một mức giá quá thấp. Mục đích của cơ quan này khi đấu thầu vàng là tạo ra sự ổn định trên thị trường chứ không phải cố gắp đưa ra một mức giá quá thấp. Nếu đưa ra mức giá quá thấp cũng không phải là điều có lợi cho NHNN.

Trong sáng nay (24/4), NHNN tiếp tục phát đi thông báo về việc đấu thầu vàng trong sáng ngày 25/4 với tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Các quy định về đặt cọc và khối lượng đặt thầu tối thiểu giữ nguyên như trước, tuy nhiên giá tham chiếu chưa được công bố.

Cần nhiều phiên đấu thầu nữa mới xoa dịu thị trường vàng trong nước

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, biện pháp đấu thấu thầu vàng của NHNN dù có tác dụng ổn định thị trường nhưng mức độ ảnh hưởng chưa nhiều và tạm thời.

"Muốn tăng cường tính ổn định, theo tôi cần đấu thầu thường xuyên hơn với số lượng lớn lơn nữa, giá sàn phải hạ hơn nữa. 16.800 lượng vàng miếng (tương đương hơn 600 kg vàng) là chưa đủ vì nhu cầu trong nước vẫn đang lớn”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông biện pháp lâu dài cho thị trường vàng là cần sửa Nghị định 24. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước nên nghiên cứu tạo ra sàn giao dịch vàng để tất cả giao dịch được minh bạch, thông thoáng. 

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), nhận định việc đấu thầu vàng lần này được xem là giải pháp ngắn hạn giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới vì đây là yêu cầu của Thủ tướng là phải làm “ngay và luôn”.

“Đây là biện pháp nhanh nhất để tăng nguồn cung vàng miếng. Cụ thể đấu thầu bao nhiêu phiên để tiệm cận giá quốc tế thì cần phải theo dõi. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ sau 7 - 10 phiên đấu thầu, giá vàng  miếng trong nước sẽ giảm dần”, ông nói. 

Bên cạnh việc đấu thầu, theo ông một biện pháp khác mà NHNN có thể làm ngay được là cấp nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp đủ điều kiện, để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Còn đối với việc xoá bỏ độc quyền vàng miếng sẽ mất nhiều thời gian hơn 3 - 6 tháng để ra một Nghị định mới. 

H.Mĩ