Thế giới kinh doanh phi pháp bên chân tháp Eiffel
Họ có vài chục người chuyên rao bán các sản phẩm lưu niệm nhỏ gọn, mà chủ yếu là mô hình tháp Eiffel, và sẽ nhanh chân tẩu thoát khi thấy bóng dáng cảnh sát xuất hiện - Ảnh: LP/Arnaud Dumontier
"Buôn bán kiểu này sống tạm qua ngày thôi!"
Du khách luôn là những người thích ngủ nướng. Lúc này đã là 9h30 sáng, không gian sinh hoạt chung quanh tháp Eiffel mới bắt đầu rục rịch: dòng người xếp hàng lấy vé vô tham quan tháp, những cửa hiệu bán hàng lưu niệm đang bận rộn bày hàng, và những người bán hàng rong đang âm thầm vào… vị trí.
Ông trưởng ban chống tội phạm có tổ chức Guillaume Fauconnier giải thích: "Họ hoạt động chuyên nghiệp lắm, có tổ chức, có ý thức cộng đồng làm ăn rất cao. Những người nhập cư gốc Ấn Độ - Pakistan thì bán nước giải khát và hoa tươi, còn đồ lưu niệm là 'thị phần' của dân gốc Tây Phi".
Anh chàng Omar trạc 40 tuổi, người Senegal, đã mở hàng một cách điệu nghệ: một chiếc tháp Eiffel cỡ lớn thường thì 15 euro nhưng "mở hàng lấy may" nên chỉ lấy 12 euro thôi. Bạn biết đấy, chiếc tháp này mà bán trong cửa hàng là đắt gấp bốn lần ở đây đấy!
Omar rời bỏ quê hương bên xứ châu Phi của mình cách đây hai năm. Anh kể lể giọng hậm hực: "Bên đó không có việc làm. Mấy chính trị gia thì giàu sụ. Không biết khi nào tôi có thể quay về nữa. Nhưng sang đây cũng không dễ sống gì hơn đâu, phải bán được nhiều móc khóa thì may ra…".
Không sai: một chùm 5 móc khóa giá 1 euro thì khó có thể làm giàu được, rồi còn tiền ăn tiền ở nữa.
Hàng lưu niệm này đa phần là do những người nhập cư từ Tây Phi đứng bán - Ảnh: LP/Arnaud Dumontier
Cớm đến là phải chuồn nhanh!
Một gương mặt khác là Ali, "đóng chốt" ngay trên cầu Iéna, một lối đi khác dẫn đến tháp Eiffel. "Suốt tuần 7 ngày, ngày nào cũng phải ra đây thì một tháng có thể kiếm được 200 euro".
Anh chàng người Gabon 33 tuổi này đến đây được 6 tháng rồi. Anh đi theo ngả Morocco, vượt Địa Trung Hải bất chấp hiểm nguy tính mạng để cập bến nước Pháp.
Anh kể tiếp: "Ở Gabon, tôi kiếm được 40 euro mỗi tháng nhưng mà một miếng gà đã là 4 euro rồi…".
Mới nói đến đây, Ali đột ngột khựng lại, dáo dác nhìn quanh rồi nhanh chóng thu dọn "hàng hóa", anh túm vội tấm bạt lớn gói gọn lại chừng chục chiếc tháp Eiffel lớn nhỏ rồi nhanh chân lẩn trốn cùng với 6-7 người bán khác đồng cảnh ngộ.
Chuyện gì vậy? Một nhóm cảnh sát đang đạp xe đi tuần gần đó.
Cảnh sát Olivier Goupil thuộc quận 7 thủ đô Paris giải thích: "Lực lượng chức năng chúng tôi phải hành động để cho du khách biết đây là buôn bán bất hợp pháp phải được ngăn chặn. Bán hàng rong như thế làm thất thu thuế. Từ năm 2018 chúng tôi đã lập biên bản nhiều vụ, và cũng có khi tịch thu hàng hóa phi pháp này để tiêu hủy".
Tuy nhiên, hành động "vây ráp" như thế của cảnh sát cũng như "bắt cóc bỏ dĩa" mà thôi.
Đội ngũ những người bán chợ chạy này đến từ nhiều nước châu Phi như Mali, Guinea, Cameroon… và đều có chung một thân phận: họ đều khá trẻ, không giấy tờ tùy thân, rời bỏ quê hương đang gặp khủng hoảng nặng nề để tìm miền đất hứa bên châu Âu.
Theo lời cảnh sát Fauconnier, ở đây không có bàn tay mafia tổ chức đưa họ sang để làm ăn phi pháp trên đất Pháp như trường hợp các cơ sở matxa của người Trung Quốc. Họ chỉ di cư bất hợp pháp sang đây để kiếm sống một cách tạm đủ mà thôi.
Nhưng những người hái ra tiền lại chính là những tay nhập hàng lậu để cung cấp hàng lưu niệm cho họ và lợi dụng tình trạng bấp bênh của họ nơi xứ người để trục lợi.
Cũng năm ngoái, đội cảnh sát của Fauconnier đã bắt giữ hai tay cung cấp hàng sỉ người Trung Quốc núp bóng các cửa hiệu kinh doanh hợp pháp để tuồn ra thị trường chợ đen 20 tấn tháp Eiffel mô hình.
Nghĩ cho cùng, du khách đến đây cũng chẳng quan tâm mấy đâu là hàng hợp pháp và hàng lậu, họ cứ mua thoải mái, miễn rẻ là được.
Có thể thấy bên kia bờ sông Seine, ba cảnh sát đang đi tuần và du khách cũng chẳng mảy may lấy làm lạ.
Một cảnh sát trong số đó nói đầy vẻ triết lý khi chỉ tay theo một người bán hàng rong đang tháo chạy:
"Tôi không đuổi theo anh ta làm gì, bởi làm vậy anh ta có thể quá hoảng sợ mà nhảy qua lan can xuống sông mà chết. Đã xảy ra chuyện này rồi. Mình không thể bức tử một con người chỉ vì một chiếc tháp Eiffel cỏn con giá chỉ 20 xu!".
Cảnh tượng khá quen thuộc tại các bến cảng ở Paris: một người bán hàng rong đang chạy trốn cảnh sát - Ảnh: LP/Arnaud Dumontier
Bán đàng hoàng thì chịu thiệt
Ông Thierry Bailly - tổng giám đốc Công ty Defis sở hữu chuỗi cửa hàng "Đồ lưu niệm Paris" - than thở đầy cay đắng: "Chúng tôi lụn bại vì thị trường chợ đen này nhiều lắm. Năm 2012 chúng tôi có 4 nhân viên làm việc tại cửa hàng ở trạm xe điện ngầm Bir-Hakeim thì nay chỉ còn có 2".
Theo ông, cả trăm người bán hàng rong như thế không hề nghèo khó mà lại có thu nhập mỗi ngày đến 1.000 euro, và số lượng họ càng ngày càng tăng lên đông đúc trong vòng 6 năm nay.
"Trước kia, nhiều người nói với tôi là do luật chưa đủ mạnh, rồi mức phạt chưa đủ răn đe. Nhưng đạo luật mới từ năm 2011 chỉ rõ hành động bán hàng rong như thế là phạm pháp và cho phép tịch thu và tiêu hủy tang vật", ông từng tin tưởng vào luật pháp.
Vậy mà ông nhận thấy từ khi có luật mới thì hiện tượng bán rong hàng lậu vẫn ngày càng bành trướng. Cảnh sát thì đôi khi mở chiến dịch truy quét quy mô nhắm vào những tay cung cấp hàng lậu người Trung Quốc và những tay trung gian phân phối người châu Phi.
"Nhưng họ làm chỉ tới đó mà thôi rồi đâu cũng vào đấy", ông Bailly lại nói ngao ngán.
Ông chủ Công ty Defis khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng có bàn tay mafia đứng sau lực lượng buôn bán lậu này song bị cảnh sát bác bỏ.
Ngày 20-6 vừa qua, cảnh sát Pháp mở chiến dịch truy quét đội ngũ bán hàng rong quanh khu vực tháp Eiffel - Ảnh: LP/Arnaud Dumontier
Hai thanh niên châu Phi đang bán mô hình tháp Eiffel dưới chân tháp Eiffel - Ảnh: LE PARISIEN
Một mô hình tháp Eiffel cỡ lớn được chào bán cho du khách - Ảnh: LP/J.V.
Hàng lưu niệm mô hình tháp Eiffel được bày bán bất hợp pháp khắp nơi tại những điểm tham quan du lịch ở thủ đô Paris. Đây là đường dây kinh doanh lậu thuế do những người nhập cư không giấy tờ đứng ra tổ chức một cách rất bài bản - Ảnh: LP/Olivier Boitet