Thế giới không đủ heo để cung cấp cho Trung Quốc
Theo The Guardian, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, chi phí sinh hoạt tại Trung Quốc đã vượt so với chỉ tiêu 3% của chính phủ. Một trong những nguyên nhân là do giá thịt heo tăng mạnh kể từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát.
Thịt heo đang là vấn đề lớn tại Trung Quốc. Lượng tiêu thụ thịt heo tính trên đầu người của quốc gia châu Á là 30 kg/người/năm.
Kể từ tháng 8/2018, thời điểm Trung Quốc xác nhận sự xuất hiện dịch tả heo châu Phi, tốc độ lây lan của bệnh dịch này nhanh và khó kiếm soát.
40% tổng lượng heo Trung Quốc, tương đường hàng triệu con, đã bị thiệt hại khiến nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng và kéo giá tăng cao. Để xoa dịu tình hình, chính phủ Trung Quốc đã buộc phải dùng đến kho thịt heo đông lạnh dự trữ.
Chuyên gia phân tích Rupert Claxton của công ty tư vấn thực phẩm quốc tế Girafood cho biết kể từ tháng 7 đến nay, giá sản xuất tăng 125% đã kéo theo lạm phát lên tới 3,8%, vượt chỉ tiêu của chính phủ là 3%.
Zhu Zhenchun, chủ một nhà hàng tại Thâm Quyến cho biết: "Chúng tôi phải trả thêm 10.000 nhân dân tệ/tháng, tương đương với tiền lương của hai nhân viên, do giá thịt heo tăng quá cao.
Mọi người đều nhận thức được vấn đề này và hi vọng giá sẽ giảm xuống trước khi Tết Nguyên đán đến".
Lượng thịt heo nhập khẩu vào Trung Quốc cũng tăng mạnh. Nếu như trong tháng 9/2018, lượng heo nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ ở mức 94 triệu kg thì sang tháng 9 năm nay, con số này đã lên tới 161 triệu kg.
Giới chức nước này đang gấp rút chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các trang trại tại Brazil, Ireland và một số nước khác để xuất khẩu với tốc độ chưa từng có để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hai tuần trước, Trung Quốc đã gỡ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ Canada.
Kết quả là giá thịt heotại các quốc gia khác cũng tăng theo. Theo đó, giá heo hơi của Châu Âu tăng ít nhất 35% tính từ đầu năm.
"Vấn đề nằm ở chỗ tổng lượng thịt heo xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2018 ở mức 8 triệu tấn trong khi Trung Quốc đang thiếu 24 triệu tấn. Do đó, thế giới sẽ không đủ heo để bù đắp nguồn cung thiếu hụt tại quốc gia này", ông Claxton nói.
Dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại châu Âu từ vài năm trước, tuy nhiên phải đến năm ngoái bệnh dịch này mới bắt đầu lan mạnh.
Tính đến hiện tại, có khoảng 40 nước phát hiện dịch tả heo châu Phi. Đầu tuần trước, dịch tả heo châu Phi đã lan tới các tỉnh kéo dài từ phía Bắc đến phía Tây nước này trong phạm vi khoảng 300 km.
Ông Alistair Driver của tạp chí Pig World nhận định điều này cực kì đáng quan ngại: "Các tỉnh này chỉ cách biên giới Ba Lan - Đức khoảng 70 km. Trong khi đó, Đức là một trong những quốc gia xuất khẩu thịt heo lớn nhất thế giới".
Tại Trung Quốc và Việt Nam, dịch tả heo châu Phi lan mạnh một phần do thói quen mua bán của người dân.
Theo đó, thịt heo thường được vận chuyển trực tiếp đến các chợ. Mặc dù trong những gần đây, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng hiện đại hóa hệ thống mua bán nhưng thịt heo được bán theo hình thức truyền thống vẫn đang chiếm ưu thế.
Thế giới đang "nín thở" chờ đợi xem nước nào sẽ là nạn nhân tiếp theo của bệnh dịch tả heo châu Phi.
Mới đây, Mỹ vừa thông qua luật yêu cầu tăng cường kiểm dịch ở biên giới trong khi Đan Mạch và Đức đang xây dựng hàng rào vững chắc trong nỗ lực ngăn chặn heo rừng.