|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thế Giới Di Động chốt ngày họp ĐHĐCĐ thường niên, nhiều khả năng không thể phát hành ESOP năm 2023

21:29 | 08/02/2023
Chia sẻ
Để phát hành ESOP cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt thì phải đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tối thiểu 10% năm 2022. Song thực tế, lợi nhuận của Thế Giới Di Động lại giảm 16% nên nhiều khả năng doanh nghiệp không thể phát hành ESOP trong năm nay.

HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã công bố nghị quyết thông qua việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023.

Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 28/2 tức ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/2. Thời gian diễn ra đại hội của MWG là trong hai ngày 7 - 8/4, khai mạc cuộc họp lúc 13h ngày 8/4.

Địa điểm họp dự kiến tại toà nhà MWG, Lô T2-1.2, đường D1, Khu công nghệ cao, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP HCM.

MWG cho biết nội dung chính trong buổi họp ĐHĐCĐ thường niên gồm: Kế hoạch kinh doanh hàng năm; báo cáo của HĐQT; phương án phát hành cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt của công ty mẹ cùng các công ty con dựa vào kết quả kinh doanh 2023; phương án chi trả cổ tức;...

Ảnh: Thế Giới Di Động.

MWG là một trong những doanh nghiệp thường xuyên phát hành ESOP. Tuy nhiên, một số cổ đông cho rằng MWG liên tục chia cổ phiếu ESOP cho ban lãnh đạo trong những năm qua có thể tạo ra sự không công bằng với cổ đông.

Trước ý kiến đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT cho rằng ESOP là chính sách chia sẻ thành quả của MWG với các nhân viên đã chiến đấu và tạo ra sự tăng trưởng cho công ty. "Nếu một ngày nào đó, chính sách ESOP không được thông qua thì việc kinh doanh của công ty đó có vấn đề", vị Chủ tịch khẳng định.

Ông Tài cũng nêu quan điểm rằng việc ESOP tồn tại sẽ giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì công ty.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt của MWG và công ty con dựa trên kết quả kinh doanh năm 2022 với tỷ lệ phát hành tối đa là 2,5% số cổ phiếu đang lưu hành.

MWG chỉ thực hiện phát hành ESOP nếu % tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm nay đạt từ 10% trở lên. Tỷ lệ phát hành sẽ bằng % tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nhân với 0,1. Giá phát hành sẽ là 10.000 đồng/cp và thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2023. 

Cả năm 2022 lợi nhuận sau thuế của MWG là 4.102 tỷ, giảm 16% so với 2021 và chỉ đạt 65% mục tiêu lợi nhuận năm. Vì vậy, khả năng MWG sẽ không thể thực hiện phát hành ESOP trong năm 2023 khi không đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 10% lợi nhuận.

Sau 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương, MWG bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2022 do sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại giảm mạnh hơn dự kiến. Xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng diễn ra ngay cả đối với thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Hoạt động kém hiệu quả của mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT & CE) kết hợp với chi phí tài chính tăng mạnh kéo lợi nhuận ròng quý IV của MWG giảm tới 60% còn 619 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tính riêng tháng 12, MWG ghi nhận 9.722 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 104 tỷ; giảm lần lượt gần 22% và 79% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart. 

Biên lợi nhuận gộp của MWG vẫn duy trì được đà tăng trưởng, đạt 26% trong quý IV. 

Song sự gia tăng của chi phí tài chính do mặt bằng lãi suất tăng cao và chi phí bán hàng đã khiến biên lãi thuần quý IV của công ty sụt mạnh xuống còn 2%, là quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý tới nay (2014).

Tính chung cả năm, doanh thu thuần của MWG tiếp tục lập kỷ lục với 133.405 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với năm 2021 nhưng chỉ hoàn thành 95% mục tiêu năm. Lợi nhuận giảm sâu trong quý IV đã kéo lãi ròng cả năm ngoái còn 4.100 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021.

Chốt phiên 8/2, cổ phiếu MWG dừng ở mốc 44.500 đồng/cp, giảm 40% trong vòng nửa năm qua. Giá trị vốn hoá thị trường còn 65.120 tỷ đồng.

 Diễn biến giá cổ phiếu MWG một năm qua. (Nguồn: TradingView).

Hoàng Kiều