|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thế giới đã ngừng phát triển nhiệt điện than như thế nào?

06:44 | 28/03/2017
Chia sẻ
Sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ chưa từng có, công suất điện than của toàn thế giới đã giảm xuống vào năm 2016, nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi về chính sách và điều kiện kinh tế của hai nước sử dụng điện than nhiều nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.
the gioi da ngung phat trien nhiet dien than nhu the nao
Ảnh minh họa

Từ năm 2014 đến nay, nhiều quốc gia đã có chủ trương giảm dần hoặc chấm dứt các nhà máy nhiệt điện than. Trong những năm vừa qua, số lượng dự án nhiệt điện than đóng băng nhiều hơn số lượng khởi công. Việc đóng cửa nhà máy nhiệt điện than đang diễn ra với một tốc độ chưa từng có, đa số các nhà máy ngừng hoạt động trong vòng 2 năm qua hầu hết là ở các quốc gia Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, nhiệt điện than đã giảm từ 50% năm 2006 xuống dưới 30% năm 2016. Chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện than trên toàn quốc từ năm 2009-2022. Theo đó, tính tới tháng 12.2015, đã có 189/236 nhà máy điện than bị hủy bỏ. Tiến trình đóng cửa nhà máy nhiệt điện than ở Mỹ có thể nhanh hơn kế hoạch và không dự kiến khôi phục loại hình phát điện gây ô nhiễm này.

Tại Trung Quốc và Ấn Độ, 100 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 64GW đã trong tình trạng đình trệ thi công. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng than tiêu thụ của Trung Quốc giảm từ năm 2012. Trong thời gian tới, nhiệt điện đốt than ở Trung Quốc được dự báo cũng sẽ giảm, nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đang chậm lại và tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở nước này đang trở nên rất nghiêm trọng. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định dừng xây dựng 30 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 17GW.

Theo nhóm các nhà nghiên cứu của Coalswarm, nguyên nhân chính của sự suy giảm này là chính quyền trung ương Trung Quốc đã ban hành những biện pháp mạnh mẽ chưa từng có để hạn chế các nhà máy nhiệt điện than ở quốc gia này. Ví dụ như vào tháng 3.2016, quốc gia này tạm dừng phê duyệt các nhà máy mới tại 13 tỉnh và khu vực, dừng khởi công các công trình ở 15 tỉnh và khu vực; tháng 4.2016 ban hành kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than cũ; tháng 9.2016 hủy bỏ 15 dự án điện than...

Các dự án điện than ở các giai đoạn khác nhau với tổng công suất trên 300GW đã phải ngừng triển khai sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020). Trong số 300GW này có 55GW thuộc những dự án đang trong quá trình xây dựng.

Về phía Ấn Độ, quốc gia này cũng đã trải qua một giai đoạn giảm phát triển điện than, chủ yếu do các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác lưỡng lự trong việc cung cấp tài chính cho các dự án điện than. Hiện tại, 13 dự án điện than đang tạm ngừng, tương đương với 13GW tài sản ứ đọng.

Vào tháng 6.2016, Bộ Năng lượng Ấn Độ cũng tuyên bố rằng quốc gia này đã xây dựng đủ số lượng nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện đến năm 2019 và đề xuất các nhà đầu tư giảm kế hoạch phát triển nhiệt điện than.

Trung Quốc và Ấn Độ đang chiếm tới 86% công suất xây dựng điện than toàn cầu từ năm 2006-2016, vì vậy chuyển biến giảm nhiệt điện than ở hai nước này có tác động lớn tới toàn cầu.

Bên cạnh giảm xây mới các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch, thập kỷ vừa qua cũng chứng kiến số lượng nhà máy cũ bị đóng cửa tăng nhanh qua các năm, cắt giảm 36.667MW vào năm 2015 và 27.041MW vào năm 2016.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiệt điện than vẫn đang trên đà gia tăng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất nguồn nhiệt điện than sẽ đạt tới 26.000MW vào năm 2020, 48.000MW năm 2025 và gần 60.000MW năm 2030.

Với một khối lượng nguồn nhiệt điện than lớn như vậy, nếu vẫn phát triển các dự án với công nghệ dưới tới hạn truyền thống như các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và đang xây dựng hiện nay thì mục tiêu giảm tiêu thụ than dẫn đến giảm phát thải các loại khí bụi ô nhiễm môi trường, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính tác động đến biến đối khí hậu toàn cầu, sẽ khó có thể đạt được.

Theo Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, nếu muốn giảm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng hơn 2oC thì điều kiện bắt buộc là không một nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng. Chính phủ Việt Nam trong Hội nghị COP21 cũng cam kết giảm phát khí thải nhà kính 8% đến năm 2030 và con số này có thể lên đến 25% nếu có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Theo đó, việc phát triển nhiều nhà máy điện than của Việt Nam hiện nay có thể sẽ ảnh hưởng đến cam kết của nước ta trước đó.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tuyết Nhung

Dow Jones và S&P 500 lên đỉnh khi giá dầu giảm, cổ phiếu công nghệ vọt tăng
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận kết quả tích cực khi giá dầu giảm do xung đột Trung Đông tạm lắng xuống. Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục dẫn dắt thị trường.