|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thấy gì từ động thái ngừng mua ngoại tệ giao ngay của Ngân hàng Nhà nước?

08:34 | 05/01/2021
Chia sẻ
Theo nhận định của giới phân tích, việc ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay cho thấy NHNN không còn sẵn sàng mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối như trước. Đồng thời, chính sách này sẽ giúp điều tiết thị trường ngoại hối bằng cách rải nguồn VND mua ngoại tệ đối ứng ra thị trường trong một thời gian dài.
usd-bnews-vn.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Như chúng tôi đã thông tin trước đó, trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quy định mới về hoạt động mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại (NHTM).

Cụ thể, từ ngày 31/12/2020, cơ quan này sẽ ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay.

Bên cạnh đó, từ ngày 4/1/2021, NHNN sẽ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang 1 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho NHNN theo phương án này.

Đối tượng NHNN mua kỳ hạn là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho NHNN; mức ngoại tệ mua tối đa cho mỗi tổ chức tín dụng mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng đó về cân bằng.

Trạng thái ngoại tệ để xem xét duyệt mua ngoại tệ là trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng vào cuối ngày làm việc liền trước ngày làm việc NHNN mua ngoại tệ.

Như vậy, sau bước giảm giá mua 50 VND/USD trong tháng 11/2020 vừa qua, quyết định chính sách mới đưa ra là bước tiếp theo của NHNN trong hoạt động mua vào ngoại tệ.

Đánh giá về động thái mới nhất của nhà điều hành, Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng việc ngừng niêm yết tỷ giá mua USD tại Sở Giao dịch sẽ gỡ bỏ "chốt chặn" đà giảm của tỷ giá USD/VND trên thị trường ngoại hối.

Đồng thời, việc ngưng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay cho thấy NHNN không còn sẵn sàng mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối như trước kia. Các NHTM cần phải phải chủ động liên hệ trực tiếp với NHNN trong trường hợp trạng thái ngoại tệ dương lớn và nếu có được tiến hành thì hoạt động mua giao ngay USD rất có thể chỉ diễn ra theo từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, việc mở rộng kỳ hạn mua USD lên 6 tháng kèm điều kiện không được huỷ ngang 1 lần cho thấy việc bán USD có kỳ hạn cho NHNN đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ngoài ra, mốc 6 tháng sẽ hạn chế vi phạm tiêu chí thứ 3 của Bộ Thương mại Mỹ, khi việc can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối xảy ra ít nhất 6/12 tháng. Từ đó, NHNN có thể sử dụng sự khó khăn trong bán ngoại tệ của NHTM để làm bằng chứng đàm phán với Bộ thương mại Mỹ cho thấy NHNN đã và sẽ không còn tích cực can thiệp vào thị trường ngoại tệ một chiều thông qua việc mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, chính sách mới sẽ hạn chế công cụ bơm VND vào hệ thống và trong trường hợp thanh khoản thiếu hụt tạm thời, nhiều khả năng NHNN sẽ phải nới thời gian đáo hạn trên thị trường OMO (hiện tại là 7 ngày).

Đồng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mục đích sâu xa của NHNN từ động thái trên có thể nhằm mục đích chứng minh cho phía Mỹ thấy Việt Nam không can can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối bằng cách trực tiếp mua USD nữa thông qua việc không niêm yết tỷ giá mua giao ngay.

"Đây là bằng chứng giải trình cần thiết trong các cuộc đàm phán, thương lượng của Việt Nam với Chính phủ Mỹ trong tương lai nhằm giúp Việt Nam sớm được tháo mác thao túng tiền tệ", BVSC đánh giá.

Ngoài ra, BVSC cũng cho rằng việc ngừng mua ngoại tệ giao ngay của NHNN sẽ một phần giúp điều tiết thị trường ngoại hối bằng cách rải nguồn VND mua ngoại tệ đối ứng ra thị trường trong một thời gian dài thay vì dồn cung VND tại một thời điểm nếu thực hiện mua giao ngay, nhất là trong bối cảnh nguồn kiều hối thường đổ dồn về cuối năm như thời điểm hiện tại.

Quốc Thụy

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.