|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Thay đổi tư duy, FDI vào nông nghiệp sẽ tăng'

11:23 | 16/01/2017
Chia sẻ
Chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thu hút FDI vào lĩnh vực này cũng thấp nhất. Ngành nông nghiệp trong năm qua gặp nhiều khó khăn thách thức.Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, ông Trần Đình Long chia sẻ về quan điểm cải cách nông nghiệp và triển vọng cho năm 2017.
thay doi tu duy fdi vao nong nghiep se tang
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp quan trọng giúp ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Internet).

Nhìn lại năm 2016, theo ông có những thuận lợi và thách thức gì đối với ngành nông nghiệp?

- Năm 2016, ngành nông nghiệp gặp không ít khó khăn nhưng có những điểm sáng rất đang quý.

Thứ nhất, tăng trưởng của ngành 6 tháng đầu năm âm nhưng đến cuối năm đã tăng 1,2%. Điểm sáng thứ 2 là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32,1 tỷ USD trong khi hạn hán xâm nhập mạnh ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Theo tôi, đạt được kết quả như vậy là rất tích cực. Đặc biệt rau hoa quả đạt trên trên 2 tỷ USD. Thứ 3, trong năm qua, nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về vấn đề nông nghiệp sạch đã được nâng cao, việc phát triển nông nghiệp xanh được chú trọng và quan tâm.

Bên cạnh đó, Việt Nam có 12 mặt hàng xuất khẩu dạng nhất nhì thế giới nhưng giá trị không cao. Bài toán của Việt Nam là làm thế nào để tăng giá trị xuất khẩu lên. Trong khi gạo của các nước xuất khẩu là 600 – 700 USD/tấn, gạo của Việt Nam xuất đi có 450 USD/tấn. Đây là thách thức lớn nhất.

Thứ hai, sản xuất theo chuối giá trị còn hạn chế, manh mún, đầu tư thấp. Phải giải quyết sản xuất manh mún, sản xuất lớn phải sử dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hiện đại mới có thể tăng được giá trị lên.

Thách thức thứ ba từ vấn đề môi trường, Việt Nam là một nước chịu tác động bởi biến đổi khí hậu rất lớn từ hạn, mặn, nóng, lũ lụt. Vì vậy, tất cả đầu vào nông nghiệp phải tính toán thích hợp với biến đổi khí hậu.

Cuối cùng là thách thức đến từ chính sách. Đầu tư cho nông nghiệp của Việt Nam hiện nay thấp nhất, khoảng 6%. Cả nước có khoảng 500.000 - 600.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 1% đầu tư vào nông nghiệp. Gần đây mới có 1 vài doanh nghiệp lớn triển khai đầu tư vào lĩnh vực này. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng doanh nghiệp đầu tư vào lại rất ít. Theo tôi cần thay đổi chính sách để khắc phục điều này.

Như vậy, để nông nghiệp phát triển bền vững phải xây dựng giống cây trồng bản địa, giống đặc sản cộng với công nghệ hiện đại. Khi đó, phải chấm dứt xuất thô nông sản, xây dựng thương hiệu quốc gia. Khi nông nghiệp có giá trị cao là sẽ kích thích đầu tư vào lĩnh vực này.

Chúng ta kêu gọi đầu tu công nghiệp công nghệ cao, nhưng nông nghiệp công nghệ cao vẫn mơ hồ, theo ông làm thế nào để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp?

- Trước hết phải hiểu rõ công nghệ cao là thế nào. Không phải cứ công nghệ đắt tiền nhất, điện toán đám mây mới là công nghệ cao. Quan điểm là ứng dụng công nghệ, giảm giá trị đầu vào, tăng giá trị đầu ra và phát triển bền vững là nông nghiệp là công nghệ cao. Tôi có thể lấy ví dụ như dùng phân hữu cơ giun trùn quế đấy là công nghệ, tuy không cao đến mức người ra tưởng tưởng nhưng lại giảm đầu vào, tăng giá trị đầu ra, bảo vệ môi trường bền vững. Như vậy, quan điểm công nghệ cao phải xuất phát từ quan điểm công nghệ nào mà giảm đầu vào, tăng giá trị sản phẩm an toàn.

Vấn đề tích tụ ruộng đất thì sao thưa ông? Chúng ta khuyến khích sản xuất lớn nhưng diện tích sản xuất hiện nay rất manh mún, nhiều doanh nghiệp thiếu đất canh tác. Vậy theo ông đâu là cách để giải quyết khó khăn?

Trong nông nghiệp đất là yếu tố quan trọng. Hạn điền của Việt Nam hiện nay không hợp lý. Muốn làm sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước phải có từ 5 – 10 ha, chúng ta chỉ có vài sào, vài trăm m2, ruộng đất li ti.

Muốn giải quyết vấn đề về đất Việt Nam phải sửa lại Luật Đất đai. Muốn có nông nghiệp công nghệ cao, muốn có nông nghiệp hàng hóa phải "cởi trói" cho đất. Bên cạnh đó, không nhất thiết đất đó phải theo quy định trồng cây A, cây B. Thị trường sẽ điều khiển việc trông cây gì con gì và phù hợp với mỗi vùng đất khác nhau.

Chúng ta không cần hạn điền như cũ mà mở rộng ra nhưng với quy mô do cơ chế thị trường điều kiển.

Vậy còn tín dụng cho nông nghiệp thưa ông?

- Rất nhiều chủ trương chính sách nông nghiệp nhưng để người dân vay vốn đầu tư cho các dự án nông nghiệp nhỏ thì rất khó. Vừa rồi Thủ tướng có đưa ra gói 50.000 tỷ hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp lãi suất thấp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chủ trương còn đi vào thực hiện phải căn cứ vào thị trường. Ví dụ làm dự án có sản phẩm công nghệ cao chất lượng, xây dựng thương hiệu A, thương hiệu B có gia trị cao, khi đó mới giải quyết được vấn đề về vốn.

Theo tôi, việc Nhà nước cần làm hơn là hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam quản trị nông nghiệp. Công nghệ có thể có, giống mới có, đầu ra xuất khẩu cũng có thể có nhưng hầu như các đơn vị đều yếu về năng lực quản trị.

Trong khi các lĩnh vực sản xuất khác Việt Nam thu hút FDI khá cao, nông nghiệp thì ngược lại...

Nguyên nhân do chúng ta sản xuất nhỏ, manh mún, không có sản phẩm quốc gia và thiếu tập hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi không tạo thành sản phẩm lớn, giá trị cao thì FDI sẽ không đầu tư. Ví dụ như 1 ha đất mà giá trị chỉ 30 – 40 triệu thì khó, nhưng nếu trồng dưa lưới 500 triệu – 1 tỷ, FDI sẽ vào đầu tư.

Muốn có hiệu quả có công nghệ cao, tín dụng thuận lợi, tiếp xúc thương mại thông suốt, quản trị tốt khi đó doanh nghiệp FDI sẽ tham gia vào.

Để đạt được những mục tiêu thu hút FDI cần phải đổi mới tư duy từ tư lệnh ngành, chính phủ, doan nghiệp, người nông dân mới có thể làm được. Để bền vững, tiêu chí tăng thu nhập của nông dân không phải từ 2 – 5 lần mà phải là từ 5 – 10 lần, khi đó mới có động lực để ngành nông nghiệp đi lên.

Tất cả chính sách hiện nay thiệt thòi đều là người nông dân, doanh nghiệp thì rất giàu có nhưng nhưng người nông dân thì vẫn nghèo. Có nên chăng phải xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp có người nông dân là cổ đông, cùng tham gia vào. Không bao giờ phát triển được nếu tư duy nông nghiệp nông thôn mà người nông dân tách khỏi doanh nghiệp như vậy.

Trước đây thể chế nông tôn là hợp tác xã, vậy hiện nay là gì, chúng ta cần xác định lại. Không còn là doanh nghiệp thông thường, cần xác định rõ nhóm đặc thù doanh nghiệp nông nghiệp. Doanh nghiệp làm công tác quản trị, nông dân sản xuất, hai bên phải kết hợp với nhau. Hiện nay việc bắt tay bốn nhà chỉ là hô khẩu hiệu.

Nông nghiệp phải vững, tư duy phải khác sẽ thu hút được đầu tư FDI.

Quan điểm của ông thế nào về mô hình hợp tác PPP trong nông nghiệp?

- Hợp tác công tư PPP cũng có giá trị của nó. Nhưng ở Việt Nam cái quan trọng nhất là tư nhân hóa, cổ phần hóa, xã hội hóa. Doanh nghiệp nông nghiệp bây giờ, như công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương cổ phần hóa rồi, chỉ cần hỗ trợ những việc đơn vị công có thể hỗ trợ như vấn đề về khoa học công nghệ, tiếp xúc thương mại. Thậm chí, các công ty cổ phần không cần hỗ trợ tín dụng đâu vì vốn rất dài nhưng cần hỗ trợ tiếp xúc thương mại.

Nông nghiệp nên có hướng như thế nào để phát triển?

- Theo tôi, nông nghiệp phải theo cơ chế thị trường, phải dự đoán được thị trường cần cái gì. Ví dụ như rau quả Việt Nam xuất được hơn 2 tỷ USD tức là thị trường ấy đang bỏ ngỏ. Vậy chúng ta nên tập trung vào rau hoa quả chứ không phải đối tượng khác. Nhưng tập trung vào đó rồi chúng ta phải làm như thế nào tăng cường công nghệ cao, tăng giá trị của các mặt hàng lên.

Lời khuyên của ông là gì cho phát triển nông nghiệp năm 2017

- Trước hết, ngành nông nghiệp cần rà soát lại chính sách, tìm ra những bất cập về đất đai, giống cây trồng vật nuôi, nếu không hợp phải sửa lại về mặt quản lý. Bộ Nông nghiệp và các cơ quan chỉ quản lý theo hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân làm chứ không nên can thiệp trực tiếp. Mọi sản phẩm nông nghiệp phải xuất phát từ thị trường, tức là yêu cầu thị trường bao nhiêu mới sản xuất.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phải đảm bảo công tác lưu thông hàng hóa. Giả sử rau vụ đông ở miền Bắc rẻ nhưng miền trung đắt gấp 5 - 6 lần, tôi cho rằng đáng ra vấn đề lưu thông phải giải quyết. Tất cả các Bộ Nông nghiệp, Công Thương, Tài chính… phải ngồi lại cùng nhau để giải quyết các vấn đề tạo thuận lợi cho nông nghiệp.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thái Hoàng