|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thay đổi tỉ trọng danh mục VN30, VFMVN30 ETF sẽ cơ cấu ra sao?

07:16 | 22/10/2019
Chia sẻ
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố cập nhật thông tin cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 7/2019 có hiệu lực từ ngày 4/11/2019 đến 31/11/2020 với nhiều thay đổi đáng chú ý.

Cổ phiếu "họ Vingroup" VIC, VHM, VRE được tăng giới hạn tỉ trọng vốn hóa

Trong lần cập nhật này, sự thay đổi đáng chú ý thuộc về cổ phiếu "họ Vingroup" khi cả 3 mã VIC, VHM và VRE đều được tăng giới hạn tỉ trọng vốn hóa từ 42,1% lên 44,62%. Trong khi đó, tỉ lệ của cổ phiếu VNM bị điều chỉnh từ 58,14% xuống còn 57,69%. Ngoài ra, các cổ phiếu còn lại đều được giữ nguyên tỉ trọng vốn hóa tối đa 100%.

Đối với thay đổi về tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (freefloat), cổ phiếu ROS được tăng tỉ lệ từ 30% lên 40% và STB được nâng từ 95% lên 100%. Ngược lại, tỉ lệ freefloat của cổ phiếu CTD giảm từ 55% xuống 45% và cổ phiếu GMD giảm từ 90% về 85%.

vn30

Danh mục VN30 mới có hiệu lực từ ngày 4/11. Nguồn: HOSE

Các cổ phiếu trong danh mục ảnh hưởng thế nào đến VN30-Index?

Với việc thay đổi tỉ lệ freeloat và giới hạn tỉ trọng vốn hóa của các cổ phiếu trên, sức ảnh hưởng của các cổ phiếu trong danh mục VN30 cũng thay đổi đáng kể với VIC, VHM, VRE, ROS, STB tăng sức ảnh hưởng trong khi các cổ phiếu còn lại đều bị giảm tỉ trọng.

vn301

Nguồn: ST tổng hợp

Một điều khá bất ngờ, cổ phiếu VNM dù tỉ trọng giảm 0,18 điểm %, cũng không phải mã có vốn hóa lớn nhất những vẫn đứng đầu về sức ảnh hưởng với tỉ trọng 10,14%, áp đảo so với các mã còn lại.

Trong khi đó, cổ phiếu VIC với vốn hóa lớn nhất toàn thị trường chứng khoán đứng ở vị trí thứ ba về sức ảnh hưởng lên VN30-Index với tỉ trọng 7,91%. Nguyên nhân là các cổ phiếu "họ Vingroup" đều bị giới hạn về tỉ trọng vốn hóa tối đa để đảm bảo sự cân bằng trong danh mục VN30, dù vậy tỉ trọng của VIC cũng tăng thêm 0,37 điểm % nhờ được nâng giới hạn tỉ trọng vốn hóa lên 44,62%.

Thêm một điểm thú vị khác, các cổ phiếu của ngân hàng tư nhân có mức độ tác động lên chỉ số cao hơn so với ngân hàng có sở hữu nhà nước. Tương tự cổ phiếu "họ Vingroup", cổ phiếu của nhóm ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước bị giới hạn về tỉ lệ freeloat .

Theo đó, cổ phiếu TCB đứng thứ hai về sức ảnh hưởng với tỉ trọng 8,21%, dù cũng giảm 0,08 điểm % so với trước cơ cấu; cổ phiếu VPB cũng đứng ở vị trí thứ 4 với tỉ trọng 5,72%. Trong khi đó, cổ phiếu của ba ông lớn ngành ngân hàng là VCB, CTG và BID có tỉ trọng vốn hóa lần lượt là 3,77%; 1,01% và 0,96%.

Ngoài BID và CTG, ở nửa dưới bảng xếp hạng còn 8 cổ phiếu có sức ảnh hưởng khá nhỏ lên chỉ số VN30 với tỉ trọng vốn hóa thấp gồm GMD (1,01%), SSI (0,96%), REE (0,95%), ROS (0,88%), SBT (0,83%), BVH (0,75%), CTD (0,44%) và DPM (0,35%).

Để hạn chế sự méo mó của chỉ số khi phụ thuộc quá nhiều vào một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng thanh khoản chỉ ở mức thấp, Sở Giao dịch Chứng khoán đã áp dụng tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng và giới hạn tỉ trọng vốn hóa để tính toán các chỉ số như VN30, HNX30.

Thay vì tính trực tiếp dựa trên vốn hóa thị trường, mức độ ảnh hưởng của các cổ phiếu trong sẽ được điều chỉnh để đảm bảo sự cân bằng trong danh mục tính chỉ số, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong thứ bậc về vốn hóa và mức độ ảnh hưởng của từng cổ phiếu trong danh mục.

"Họ Vingroup" tăng sức ảnh hưởng, nhóm ngân hàng áp đảo về tỉ trọng vốn hóa

Với việc thay đổi tỉ trọng của các cổ phiếu trong danh mục như trên, sức ảnh hưởng của các nhóm cổ phiếu cũng được sắp xếp lại tuy nhiên mức độ thay đổi không khác biệt nhiều so với trước cơ cấu.

Theo đó, ước tính ba nhóm cổ phiếu lớn nhất trong danh mục gồm ngân hàng, thực phẩm đồ uống và "họ Vingroup" chiếm tới 60,7% tỉ trọng vốn hóa trong danh mục VN30, tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức 60,3% ở thời điểm trước cơ cấu.

vn302

Sức ảnh hưởng của các nhóm cổ phiếu nhóm VN30. Nguồn: ST tổng hợp

Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục áp đảo về sức ảnh hưởng lên VN30-Index với tỉ trọng 32,9%. Trong đợt cập nhật danh mục lần này, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều giảm tỉ trọng vốn hóa, tuy nhiên nhờ sự bù đắp từ cổ phiếu STB do nâng tỉ lệ freefloat, tổng tỉ trọng cả nhóm chỉ giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm.

Trong khi đó, "họ Vingroup" với chỉ ba cổ phiếu VIC, VHM và VRE cũng chiếm tỉ trọng 15% về mức độ ảnh hưởng lên chỉ số, tăng thêm 0,7 điểm phần trăm nhờ cả ba cổ phiếu này đều được tăng giới hạn vốn hóa tối đa. Nếu không bị giới hạn tỉ trọng vốn hóa, nhóm cổ phiếu này thậm chí còn vượt qua sức ảnh hưởng của cả nhóm ngân hàng với tỉ trọng xấp xỉ 34%.

Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm đồ uống với ba cổ phiếu VNM, SAB và MSN cũng đóng góp 12,7% sức ảnh hưởng lên chỉ số VN30, dù vậy tổng tỉ trọng cả nhóm giảm 0,3 điểm phần trăm do giới hạn vốn hóa của cổ phiếu VNM bị thu hẹp lại. Trong đó, tỉ trọng của cổ phiếu MSN là 5,3% và cổ phiếu SAB là 2,61%.

Như vậy, với việc thêm mới cổ phiếu BID và BVH, nhóm tài chính - ngân hàng được dự báo sẽ lấy lại sự cân bằng trong dạnh mục khi cổ phiếu 'họ Vingroup' đang chiếm xu thế áp đảo như hiện nay.

Quĩ ETF nội VFMVN30 ETF sẽ thay đổi danh mục ra sao?

Trên thị trường chứng khoán hiện có khá nhiều quĩ tham chiếu (Benchmark) VN30 làm cơ sở cho việc xây dựng danh mục, tiêu biểu là quĩ VFMVN30 ETF với qui mô tại ngày 21/10 đạt 6.413 tỉ đồng. VFMVN30 ETF sẽ hoàn tất cơ cấu danh mục vào ngày 1/11 tới đây, trước thời điểm VN30 Index có hiệu lực vào ngày 4/11.

Việc quĩ đầu ETF nội lớn nhất thị trường Việt Nam thực hiện cơ cấu danh mục sẽ phần nào ảnh hưởng tới sự biến động của thị trường chứng khoán, đặc biệt là biến động trên thị trường phái sinh, do đó rất nhiều nhà đầu tư quan tâm quĩ này sẽ mua bán như thế nào.

Dựa trên dữ liệu tại ngày 21/10 về qui mô tài sản của VFMVN30, tỉ trọng danh mục VN30 và thị giá các cổ phiếu, ước tính danh mục mới của VFMVN30 sẽ thay đổi như bảng dưới đây.

vn303

Ước tính giao dịch cơ cấu danh mục của VFMVN30 dựa trên dữ liệu tại ngày 21/10. (Nguồn: ST tổng hợp)

Theo đó, các cổ phiếu được mua vào nhiều nhất gồm có STB (735.549 cp); ROS (530.000 cp); EIB (346.086 cp); SBT (261.208 cp). Cùng với đó, cổ phiếu "họ Vingroup" với VIC, VHM, VRE cũng dự kiến được mua vào lần lượt 202.235 cp; 164.454 cp và 230.991 cp.

Ở chiều ngược lại, ước tính các cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất gồm TCB (211.755 cp); VPB (162.505 cp); GMD (154.581 cp); HPG (146.767 cp) và VJC (110.056 cp).

Sơn Tùng