|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thất nghiệp ở tuổi ngoài 35: vấn đề không của riêng ai

22:15 | 05/07/2018
Chia sẻ
Sa thải lao động lớn tuổi vẫn chỉ là hiện tượng ở một vài nơi, chưa xảy ra phổ biến. Tuy nhiên, trước cuộc cách mạng công nghệ mới, đây sẽ là thách thức lớn cần có chính sách chủ động của Nhà nước.
that nghiep o tuoi ngoai 35 van de khong cua rieng ai
Người lao động khó có thể làm trong ngành dệt may tới khi nghỉ hưu vì nghề này đòi hỏi sức khỏe, nhanh tay, nhanh mắt. Ảnh: Nguyễn Nam

FDI sa thải lao động nhiều nhất?

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trung bình có hơn 1.000 người đến đăng ký, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp hàng tuần. Trong số đó, chiếm hơn một nửa là lao động đến từ các khu công nghiệp.

Lã Thị Hương, 32 tuổi, quê Thái Bình, cho biết Hương đã làm được 10 năm tại một công ty của Nhật Bản trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. “Cách đây vài năm, tôi bắt đầu thấy sức khỏe đi xuống, mắt mờ hơn, tay chân run rẩy. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng có triệu chứng như vậy”.

Hương đã quyết định nghỉ việc tại công ty Nhật cách đây hai tháng, một phần vì sức khỏe đi xuống, một phần vì phải xa con nhỏ và bố mẹ già yếu dưới quê.

Nguyễn Thị Lan, quê Hà Tĩnh, đang chờ làm thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp, cho hay: “Tôi bị sa thải. Lý do là công ty làm ăn khó khăn, thu hẹp sản xuất và những người nhiều tuổi như tôi là đối tượng đầu tiên”, Lan nói. Cô đã từng gắn bó hơn chục năm tại một công ty may trong khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội.

Có rất nhiều lý do để lao động nghỉ việc, có thể vì không còn đủ sức khỏe để làm việc trong dây chuyền công nghiệp, có thể do công ty làm ăn khó khăn phải sa thải lao động, có thể lao động muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần để về quê làm một nghề khác bớt vất vả hơn... Tuy nhiên, nhiều người trong ngành giải thích hiện tượng trên chủ yếu là do các doanh nghiệp “vắt chanh bỏ vỏ”, sa thải lao động lớn tuổi.

Tại buổi họp báo gần đây liên quan tới vấn đề bảo hiểm xã hội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định rằng vấn đề sa thải lao động lớn tuổi là có thật. Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn và số liệu của Trung tâm Giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động đã chứng minh điều đó.

Ví dụ, tại Hà Nội, trong tổng số hơn 10.000 lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thôi việc, có tới trên 90% là người trên 35 tuổi, thường làm trong doanh nghiệp có điều kiện lao động khắc nghiệt như dệt may, da giày, thủy sản.

Ông Quảng còn dẫn chứng có những doanh nghiệp có quy mô lên tới 15.000 lao động nhưng trong bốn năm qua, họ chỉ có 1-2 người nghỉ hưu.

Đưa ra dẫn chứng như vậy để thấy rằng đa phần lao động trong các doanh nghiệp là lao động trẻ, khỏe, còn lao động lớn tuổi trụ lại được trong ngành cho tới khi nghỉ hưu là gần như không có.

Thậm chí, trong một hội thảo về lao động diễn ra tuần trước (19-6-2018), ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, còn khẳng định hiện tượng sa thải lao động lớn tuổi diễn ra khá nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong một số ngành, nghề không phù hợp với lao động trên 35 tuổi. Hậu quả của tình trạng này là lao động bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập và gây ra các vấn đề an sinh xã hội trong tương lai...

Do cơ chế thị trường...

Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đúng là lao động khó có thể làm trong ngành dệt may tới khi nghỉ hưu vì nghề này đòi hỏi sức khỏe, nhanh tay, nhanh mắt. Nhưng nói lao động cứ đến 35 tuổi là chủ sử dụng sa thải là chưa có căn cứ.

Trong nhiều trường hợp, khi doanh nghiệp hoạt động khó khăn, thu hẹp sản xuất, cơ cấu lại lao động thì tất nhiên họ sẽ loại những lao động có năng suất lao động thấp, chi phí trả lương cao.

Đối với những doanh nghiệp trả lương theo thâm niên thì lao động lớn tuổi sẽ là đối tượng bị “cân nhắc” đầu tiên. Vì theo ông Cẩm, càng lớn tuổi năng suất lao động càng giảm, trong khi doanh nghiệp phải xếp cho họ bậc lương cao hơn, chi phí cho các khoản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cao hơn. Đây cũng là một phần lý do xuất hiện tình trạng sa thải lao động tại một số doanh nghiệp.

Còn riêng đối với khu vực FDI, theo bà Đào Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam, Canon muốn tuyển lao động mới còn không được nói gì tới chuyện sa thải lao động lớn tuổi. Nếu theo thống kê của riêng Công ty Canon, lao động trẻ có xu hướng nghỉ việc cao hơn lao động lớn tuổi.

Lý do mà lao động trẻ nghỉ việc nhiều, theo bà Huyền, là do họ mới từ nông thôn lên, chưa quen với tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, họ muốn nhận hai “đầu lương”, vừa nhận lương công việc mới, vừa nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, thời gian đầu, lao động mới thử việc nên công việc còn nhàn, đến khi làm đúng như một nhân viên dây chuyền bình thường, theo guồng máy chung thì họ không chịu nổi áp lực, bỏ để tìm công việc khác ít áp lực hơn.

Về hiện tượng rất ít lao động có thể nghỉ hưu ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động, theo bà Huyền, các doanh nghiệp FDI là những doanh nghiệp non trẻ. Canon vào Việt Nam được 17 năm thì lao động già nhất cũng chỉ khoảng trên 40 tuổi. Như vậy thì sao lao động có thể nghỉ hưu như điều tra của Tổng liên đoàn Lao động được.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho rằng nhận định sa thải lao động diễn ra nhiều ở khu vực FDI là chưa có cơ sở. Theo ông, cần nhìn việc sa thải lao động lớn tuổi như một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Đến một độ tuổi nhất định, độ nhạy bén, khả năng bắt kịp khoa học công nghệ của người lao động giảm sút, buộc các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước, phải tìm cách sa thải để tuyển lao động mới.

“Trong thương trường, nếu doanh nghiệp làm ăn ổn định, họ sẽ giữ lao động, nhưng nếu doanh nghiệp gặp phải tình hình sản xuất khó khăn, họ sẽ tìm biện pháp cơ cấu lại lao động. Khi đó, đương nhiên, họ sẽ phải đánh giá, lựa chọn người lao động nào phù hợp về sức khỏe, trình độ chuyên môn, lương bổng. Điều này là bình thường”, ông Huân nói.

Cùng quan điểm, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong một buổi họp giữa tháng 6 cho hay, không thể nói sa thải lao động lớn tuổi là hành động “vắt chanh bỏ vỏ” của doanh nghiệp mà cần nhìn nhận như một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đối mặt với thực tế này. Nhưng điểm khác biệt ở đây là độ tuổi sa thải lao động ở nước họ thường là 40-45, Việt Nam thì sớm hơn.

Tại nghị trường Quốc hội ngày 5-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã phủ nhận việc sa thải lao động ngoài 35 tuổi diễn ra phổ biến ở doanh nghiệp FDI.

“Chỉ có 11% những người lao động nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau có độ tuổi 30, 35. Tất cả số lao động nghỉ này có thể là vì nguyện vọng cá nhân hoặc nghỉ một lần chứ không phải bị sa thải. Riêng TPHCM và Bắc Ninh, số lao động nghỉ việc rất hạn chế”, Bộ trưởng Dung nói.

Và nỗi lo... chính sách

Trước cuộc cách mạng công nghiệp mới, ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc sa thải lao động lớn tuổi sẽ không còn là hiện tượng nhỏ lẻ mà sẽ trở nên phổ biến hơn khi nhiều doanh nghiệp áp dụng tự động hóa quy trình sản xuất, giảm lao động.

Hiện nay, phần lớn lao động tại các khu công nghiệp đều là lao động phổ thông, không qua đào tạo, nên họ sẽ rất khó tìm những công việc khác sau khi bị sa thải.

Do đó, theo ông Huân, Nhà nước cần chuẩn bị trước chính sách để Nhà nước, doanh nghiệp và bản thân người lao động chủ động khi gặp cú sốc chuyển đổi công nghệ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tới đây bộ này sẽ nghiên cứu các giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động như xây dựng đề án tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân khi họ thất nghiệp. Chính sách cũng bao gồm việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo chuyển nghề cho lao động khi doanh nghiệp đó thay đổi cơ cấu sản xuất.

Xem thêm

Thùy Dung