|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tháo gỡ khó khăn về thuế, phí cho doanh nghiệp vận tải biển

07:22 | 28/10/2016
Chia sẻ
 “Chúng tôi có những con tàu phải nằm bờ 25 ngày mới có một chuyến hàng. Trong khi đó, giá cước vận tải biển quá rẻ, chở hàng từ TPHCM ra đến Hà Nội chỉ 70.000 đồng/tấn, bằng 2 bát phở”.
thao go kho khan ve thue phi cho doanh nghiep van tai bien
Ảnh minh họa.

Đây là chia sẻ của ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Diêm Điền (Thái Bình) tại Hội nghị trực tuyến đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển năm 2016, diễn ra ngày 27/10.

Có thể thấy, vận tải biển thế giới cũng như Việt Nam chưa bao giờ khó khăn như hiện tại khi hãng vận tải lớn nhất thế giới như Hanjin (Hàn Quốc) bị phá sản, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam quy mô nhỏ, vận chuyển hàng hóa đường ngắn cũng nằm trong vòng xoáy khó khăn tương tự.

Ông Trịnh Quốc Đạt còn bức xúc về việc tàu lưu thông trên luồng tuyến bị cơ quan chức năng kiểm tra quá nhiều, trong khi đó hàng hóa khan hiếm, doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam không cạnh tranh được với các hãng tàu lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, từ năm 2009-2010, khi mà lãi suất vay tín dụng lên tới 20-22%, có doanh nghiệp vay 15 tỷ đồng để đóng tàu 3.000 CV trị giá 20 tỷ đồng. Đến nay, đã trả cả gốc, cả lãi là 16 tỷ đồng, nhưng vẫn còn nợ ngân hàng đến 25 tỷ đồng.

“Lãi suất quá lớn, chủ tàu luôn trong tình trạng lo lắng bị thu tàu”, ông Trịnh Quốc Đạt chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco bổ sung, vài năm trở lại đây, năm nào doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh thua lỗ. Năm 2016, các doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục gặp khó khăn do giá cước vận chuyển sụt giảm mạnh nên nếu tăng phí thì các doanh nghiệp vận tải biển chỉ có con đường phá sản.

Đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng nhìn nhận, thị trường vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng, chưa bao giờ đà suy thoái ghi nhận kéo dài đến như vậy. Năm 2007 là đỉnh cao của thị trường vận tải biển, năm 2008 thì thị trường vận tải biển bắt đầu suy giảm. Theo quy luật, chu kỳ thường kéo dài 6 năm sẽ bắt đầu hưng thịnh trở lại và mỗi lần thị trường xuống đáy cũng chỉ ở mức 2.000 điểm. Tuy nhiên, đợt suy thoái này kéo dài đã gần chục năm nhưng chưa có dấu hiệu hưng thịnh trở lại. Đáng nói, thị trường xuống mức 600 điểm, thấp chưa từng thấy. Nhiều hãng vận tải biển lớn trên thế giới cũng đã rơi vào cảnh thua lỗ.

Phí và lệ phí sẽ không tăng

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, giá vận chuyển vận tải biển sụt giảm mạnh và có sự chênh lệch lớn là do sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp tự dìm nhau xuống, hạ giá cước để tranh giành khách hàng. Các doanh nghiệp trong nước như vậy thì chỉ có lợi cho các doanh nghiệp vận tải nước ngoài. Bộ GTVT chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước, không thể can thiệp vào giá cước bởi đây là yếu tố thị trường, có tính chất quốc tế. Nếu các doanh nghiệp trong nước còn tiếp tục hạ giá cước vận tải biển thì sẽ kéo nhau chết chìm”, ông Nguyễn Văn Công cảnh báo.

Không chỉ doanh nghiệp vận tải biển khó khăn mà các cảng biển cũng gặp khó vì ít hàng hóa. Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin, nhiều cảng biển “than thở” không có hàng và muốn hạ phí cảng để kéo khách. Tuy vậy, lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, trong thời điểm khó khăn này, các loại phí và lệ phí vận tải biển sẽ không tăng.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc và phân chia làm sao để việc áp dụng phí và lệ phí ít ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhất trong bối cảnh khó khăn chung như thế này”, ông Nguyễn Văn Công cho hay.

Hiện, đối với chính sách về giá, phí và lệ phí, Bộ GTVT đang xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Khung giá dịch vụ tại cảng biển (giá dịch vụ bốc dỡ container, giá dịch vụ cầu bến hoa tiêu, giá dịch vụ tàu lai dắt, giá hoa tiêu), dự kiến sẽ ban hành trong năm 2016 nhằm tăng cường sự điều tiết của Nhà nước, giảm cạnh tranh không lành mạnh về giá.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ một số vấn đề về phí cảng biển, tháo gỡ thủ tục về phí, hải quan… cho các doanh nghiệp. Với những kiến nghị về giảm thuế VAT cho doanh nghiệp vận tải biển xuống 5%, hay hỗ trợ lãi suất đóng tàu…, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chính sách, giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Phan Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.