Tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng
Chiều 4/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng".
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết. liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong 9 tháng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 12 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng, tổ chức các hội thảo khoa học tìm cách tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng.
Đặc biệt, tại các địa phương đã có 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Từ đó, đề ra các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
"Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên", ông Phạm Thanh Hà cho hay.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đồng thời, điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Trong điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5% - 2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao.
Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh,;làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để triển khai các biện pháp giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Qua đó, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22 nghìn tỷ đồng...
Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 30/9/2023, dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022. Tình hình tín dụng trên địa bàn của ngành nông, lâm, thủy sản và khai khoáng giảm, nhưng một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%. Một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn cũng đạt kết quả khả quan như cho vay chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Tại Hội nghị, đại diện các Hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất và giảm thủ tục cho vay; có thêm các chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đầu tư tại các địa bàn khó khăn; không yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm tiền vay…
Trước thực tế này, ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị ngành ngân hàng trong thời gian tới tập trung nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo các nghị định, chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục giảm lãi suất cho vay và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Sau khi lắng nghe, trao đổi với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các tổ chức tính dụng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề; trong đó, có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023...
Theo TTXVN
Link bài gốc
https://news.vnanet.vn/?created=7%20day&keyword=Code%3A%277014863%27&qcode=-1