Thành tỷ phú nhờ đầu tư vào năng lượng mặt trời
Manoj Kumar Upadhyay, Nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn ACME, đã dành hàng thập kỷ thử nghiệm trong lĩnh vực năng lượng xanh. Tuy nhiên, chính quyết định đầu tư sớm vào năng lượng mặt trời đã giúp ông trở thành một trong những tỷ phú của thế giới.
Theo Bloomberg, tuần trước, ACME Solar Holdings Ltd., công ty con của Tập đoàn ACME chuyên xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng mặt trời, chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mumbai, Ấn Độ. Động thái này đã nâng tổng giá trị tài sản của gia đình ông Upadhyay lên khoảng 1,1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Ông cùng vợ, bà Mamta, hiện nắm giữ 83,4% cổ phần trong công ty. Động lực thúc đẩy sự giàu có của ông Upadhyay cũng phản ánh xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo tại Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trước đó, việc niêm yết công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời Waaree Energies Ltd. của tỷ phú Hitesh Chimanlal Doshi đã giúp tài sản gia đình này gần như tăng gấp đôi, đạt 5,3 tỷ USD.
Manoj Kumar Upadhyay bắt đầu sự nghiệp với việc sản xuất các thiết bị tiết kiệm năng lượng vào cuối những năm 1990. Đến năm 2010, ông quyết định thay đổi hướng đi, đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên tại bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.
“Tôi nhận ra thế giới cần chuyển đổi khỏi năng lượng nhiệt và ai đó phải bắt đầu đầu tư vào năng lượng tái tạo,” ông chia sẻ.
Ông nói thêm: “Vì vậy, chúng tôi quyết định chuyển từ tiết kiệm năng lượng sang sản xuất năng lượng.”
Từ đó, ACME đã phát triển hơn ba gigawatt các dự án năng lượng mặt trời, gió và lai ghép, bán lại hơn một nửa cho các quỹ đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư khác. Hiện tại, công ty sở hữu hơn 1,3 gigawatt các dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành và 3,25 gigawatt đang được xây dựng.
Dù Ấn Độ đang lập kỷ lục về lắp đặt các dự án năng lượng mặt trời và gió, hệ thống năng lượng của quốc gia này vẫn phụ thuộc lớn vào than đá, nguồn cung cấp hơn 70% điện năng trong năm ngoái. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhu cầu điện nhanh nhất thế giới của Ấn Độ đang thúc đẩy tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Tên gọi ACME, xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại với ý nghĩa "đỉnh cao", cũng là một sự gợi nhắc hài hước đến các nhân vật trong loạt phim hoạt hình Looney Tunes. Nhân vật Wile E. Coyote trong phim thường mua các thiết bị từ công ty hư cấu ACME để bắt Road Runner, dù luôn thất bại.
“Nhân vật đó không bao giờ bỏ cuộc và liên tục thử nghiệm,” ông Upadhyay chia sẻ. “Về mặt nghiêm túc, ACME còn mang ý nghĩa ‘đỉnh cao của sự phát triển.’”
Trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2024, ACME Solar ghi nhận lợi nhuận ròng gần 7 tỷ rupee (82,9 triệu USD). Khoảng 210 triệu USD từ đợt IPO sẽ được sử dụng để trả nợ.
Trước khi nổi danh với ACME Solar, ông Upadhyay đã có bước đột phá trong ngành năng lượng từ cuối những năm 1990, khi cung cấp thiết bị bảo vệ các công ty viễn thông khỏi sự cố sét đánh và mất điện. Năm 2003, ông thành lập ACME TelePower, tập trung vào các giải pháp quản lý năng lượng. Chỉ sau vài năm, công ty này đạt doanh thu hơn 17 tỷ rupee (201 triệu USD) nhờ sự bùng nổ của điện thoại di động tại Ấn Độ.
Ngoài năng lượng tái tạo, ông Upadhyay còn mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác. 4 năm trước, ông đầu tư 25 triệu USD vào một nhà máy sản xuất hydro xanh tại Ấn Độ và hiện đang xây dựng các dự án lớn hơn tại bang Odisha cũng như quốc gia Oman.
Tháng 8 vừa qua, ông ký thỏa thuận 30 năm với một công ty Na Uy để cung cấp amoniac xanh từ nhà máy Oman và một hợp đồng trị giá 5 tỷ USD với tập đoàn công nghiệp nặng Nhật Bản IHI Corporation cho dự án tại Odisha. Không dừng lại ở đó, ông còn thử nghiệm với các loại thực phẩm siêu dinh dưỡng, dùng amoniac xanh để tổng hợp protein phi động vật, và đầu tư vào các startup như Sizer – một nền tảng trí tuệ nhân tạo của Israel.