Thành lập VNX: quan trọng là chính sách với thị trường!
VNX - sở chứng khoán hợp nhất sẽ hình thành từ sự kết hợp giữa Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Đầu tiên, cơ quan chức năng tập trung vào việc sắp sếp tổ chức và con người; sau đó mới tới việc sắp xếp lại từng cấu phần tổng thể thị trường theo lộ trình trong 3-5 năm.
Dự kiến, VNX sẽ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, do Bộ Tài chính làm đại diện vốn nhà nước và sẽ được dần dần cổ phần hóa, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước theo lộ trình từ sau năm 2020.
Toàn bộ cổ phiếu gom về sàn phía Nam; trái phiếu và phái sinh ở sàn phía Bắc
Theo Đề án hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán, thị trường cổ phiếu sẽ được tập trung tại TPHCM mà cụ thể là trên nền tảng cơ sở vật chất có sẵn của HOSE. Trong tòa nhà số 16 Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM sẽ là chợ tập trung của toàn bộ cổ phiếu, gồm cả các cổ phiếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã niêm yết và cổ phiếu của các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết (UpCom) đang giao dịch tại HNX.
Dự kiến các cổ phiếu sẽ được chia thành ba bảng: bảng 1 là các cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, chủ yếu là các mã chứng khoán đang được coi là blue-chips trên thị trường; bảng 2 gồm các cổ phiếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảng 3 gồm các cổ phiếu UpCom.
Thị trường cổ phiếu bị phân tán từ trước tới nay trên hai sàn chứng khoán khác nhau, nay hàng về một chợ và được đo lường bởi các chỉ số chung; các quy định giao dịch, vận hành, các yếu tố kỹ thuật cũng sẽ được thống nhất lại. Tất cả sẽ theo một đầu mối quản lý song với tinh thần hạn chế ít nhất sự xáo trộn với thị trường và các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết. Việc gom cổ phiếu từ HNX về HOSE cũng không được làm ngay trong ngắn hạn mà sẽ theo lộ trình trung hạn.
Chân trụ thứ hai của thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường trái phiếu (dự kiến bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) và thị trường phái sinh sẽ tập trung tại Hà Nội, trên nền tảng cơ sở vật chất và con người “cũ” của HNX.
Hội sở chính của VNX đặt ở đâu không quan trọng
Các nhóm cộng đồng sẽ chịu tác động của sự thay đổi trên gồm cộng đồng các công ty chứng khoán thành viên thị trường; cộng đồng nhà đầu tư gồm nhà đầu tư tổ chức và cá nhân; cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và cộng đồng cơ quan quản lý và điều hành, giám sát thị trường.
Ở nhóm công ty chứng khoán, đa số các công ty được chúng tôi “khảo sát bỏ túi” trả lời rằng họ đánh giá đây là việc làm tích cực, thậm chí nên làm từ lâu. “Hy vọng việc thống nhất cơ quan quản lý và vận hành thị trường giao dịch về một đầu mối giúp chúng tôi tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành (gồm chi phí kết nối), bớt được phí thành viên do trước kia đồng thời làm thành viên của hai sở”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán nói. Một đại diện công ty chứng khoán khác dự đoán tâm lý của các công ty chứng khoán thành viên sẽ “nhẹ nhàng hơn” do quy chế giao dịch tại HOSE và HNX trước đây có khi vênh nhau. Các công ty chứng khoán cũng hy vọng việc phát triển các sản phẩm mới của họ sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn vì sẽ chỉ làm việc với một đầu mối và với một bộ tiêu chuẩn, điều này gián tiếp có lợi cho khách hàng của công ty chứng khoán là cộng đồng đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến còn băn khoăn, bởi họ cho rằng “trái tim”- trụ sở cơ quan quản lý của thị trường chứng khoán nên được đặt ở trung tâm kinh tế của nền kinh tế, nơi hàng hóa dồi dào nhất, nơi thị trường có tiếng nói mạnh mẽ cũng như tạo ra giá trị lớn nhất là TPHCM. Đó cũng là logic lựa chọn của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.
Còn với cộng đồng nhà đầu tư (tương lai sẽ có thêm các gương mặt nhà đầu tư tổ chức mới như quỹ bảo hiểm mới, quỹ hưu trí tự nguyện), việc hợp nhất hai sàn chứng khoán hiển nhiên là tin tốt bởi họ sẽ chỉ phải “nghiên cứu” một bảng giá, một đầu mối thông tin, một bộ chỉ số, một bộ quy chế... Bên cạnh đó, các tiêu chí của thị trường chứng khoán hợp nhất cũng sẽ được nâng lên, tiệm cận hơn với các thị trường tiên tiến trên thế giới, sẽ thu hút cộng đồng đầu tư quốc tế đông đảo hơn, tạo sức thanh khoản và không khí giao dịch “khí thế” hơn cho thị trường.
Với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp đã và đang niêm yết cổ phiếu nói riêng, hội sở chính của sở giao dịch chứng khoán hợp nhất đặt ở đâu không khiến họ băn khoăn nhiều. “Hoạt động niêm yết của doanh nghiệp vẫn vậy vì các quy chuẩn, quy chế, đầu mối làm việc đã có rồi cứ theo đó mà “chạy”. Khi thị trường phát triển hơn thì cơ hội huy động vốn của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, song tốt đến thế nào đầu tiên vẫn phải từ chính nội lực của doanh nghiệp”, phó tổng giám đốc phụ trách hoạt động niêm yết của một công ty có cổ phiếu blue-chips chia sẻ.
Việc phân bảng cổ phiếu và các thủ tục nộp hồ sơ niêm yết, hoạt động niêm yết sẽ vẫn thế. Song vì mục đích quan trọng nhất của công ty niêm yết là huy động vốn nên khi thị trường chứng khoán phát triển lên tầm cao mới, khi quy mô và kích cỡ (giá trị vốn hóa thị trường, khối lượng, giá trị cổ phiếu giao dịch...) được nâng lên, nhà đầu tư vào nhiều hơn thì cơ hội huy động vốn của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn.
Một chuyên gia trong ngành chứng khoán chia sẻ, với nền tảng công nghệ hiện nay trong ngành chứng khoán, thì hội sở chính của sở giao dịch chứng khoán kể cả không đặt ở TPHCM hay Hà Nội cũng không sao bởi hầu hết các giao dịch và hoạt động đã đặt trên nền tảng hệ thống mạng và công nghệ nên yếu tố địa lý thành thứ yếu. “Với công nghệ hiện nay, việc đặt trụ sở chính của thị trường chứng khoán ở đâu không quan trọng mà vấn đề quan trọng là chính sách với thị trường. Nếu chính sách phát triển và quản lý đúng đắn, thì đặt trụ sở ở đâu chứng khoán vẫn phát triển”, ông nói.