|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thanh khoản thị trường teo tóp, nhà đầu tư săn mã nào trong mùa đại hội

09:26 | 21/04/2019
Chia sẻ
Giao dịch trên thị trường đang dần trở nên nhàm chán khi thanh khoản trung bình mỗi phiên suy giảm tuần thứ 7 liên tiếp. Các doanh nghiệp đang gấp rút việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và công bố báo cáo tài chính trước hạn. Tuy nhiên, nhóm có kết quả tích cực chưa tác động nhiều đến giá cổ phiếu. Trong khi đó, các mã penny lại bật tăng mạnh, nổi bật là VHG.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp với mức giảm mạnh hơn tuần trước đó. Cụ thể, kết phiên 19/4, VN-Index giảm 16,69 điểm (- 1,7%) so với cuối tuần trước xuống 966,21 điểm; HNX-Index giảm 1,82 điểm (- 1,7%) xuống 105,88 điểm.

Thanh khoản trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó và tiếp tục dưới mức trung bình 20 tuần với chỉ khoảng 3.500 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. 

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 24,4% xuống 12.463 tỉ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 21,8% xuống 600 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 34,5% xuống 1.591 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 28,7% xuống 126 triệu cổ phiếu. 

Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index tuần qua là VHM, VIC và VNM khi lấy đi của chỉ số lần lượt 4,39, 3,01 và 1,43 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất là NVL, VJC và HDB khi đóng góp lần lượt 0,34, 0,28 và 0,12 điểm tăng.

Với việc thị trường giảm điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành chính đều đi xuống. Nhóm cổ phiếu tài chính giảm mạnh nhất tuần với 1,7% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự tác động của các cổ phiếu trụ cột trong ngành con bất động sản là VHM (-4,6%), VIC (-2,7%). 

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng với mức giảm 1,6% giá trị vốn hóa, với VNM (-2%), MSN (-0,2%), SAB (-1,5%), BHN (-0,6%). Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm điểm mạnh nhất là CTG, STB và TCB khi giảm lần lượt 4,81%, 2,89% và 2,81%. 

Cùng diễn biến, họ dầu khí mất 3,67% do các cổ phiếu lớn trong ngành như GAS, PVD, PVS, POW đều lao dốc.  Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh nhất với 0,9% giá trị vốn hóa, nhờ đà tăng của VJC (+1,5%).

Cổ phiếu penny "lên ngôi", VHG tiếp tục tăng trần 23 phiên liên tiếp

Tuần qua, khá nhiều doanh nghiệp đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 như CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (Mã: AAA), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII), CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã:VND), CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG), CTCP Hàng không VietJet (Mã: VJC), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex - Mã: GEX), ... 

Tại đại hội, một vấn đề nổi bật như cổ đông lớn nhất của AAA là An Phát Holdings (đang sở hữu 46,62% vốn điều lệ) kiến nghị xin đổi tên công ty thành CTCP Nhựa An Phát Xanh nhằm phù hợp với định hướng sản xuất trong thời gian tới. Cổ phiếu AAA đã giảm sàn vào phiên sau đó. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quí I và ghi nhận một số kết quả kinh doanh tích cực như VPBank, Vietnam Airlines,  PV GAS, Dệt may Thành Công... Ngược lại, các công ty như Dược Hậu Gang, Chứng khoán SSI, Chứng khoán HSC, Gang thép Thái Nguyên có kết quả đi lùi...

Thanh khoản thị trường teo tóp, nhà đầu tư săn mã nào trong mùa đại hội - Ảnh 1.

VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất tuần với mức tăng 29% từ 1.410 đồng lên 1.820 đồng. Đáng chú ý, VHG đã tăng trần 23 phiên liên tiếp với thanh khoản trung bình 10 phiên khoảng 1,3 triệu đơn vị. Tiếp theo là SSC ( CTCP Giống cây trồng miền Nam) với mức tăng 20,7%. 

Ở chiều ngược lại, TCO (CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải) là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần với 13% từ 9.440 đồng xuống 8.210 đồng. Bên cạnh đó, QCG (CTCP Quốc Cường Gia Lai) tăng mạnh 4% phiên cuối tuần cũng không bù được hai phiên giảm sàn trước đó và mất hơn 14% trong tuần qua.

Nhà đầu tư cũng lưu ý, cổ phiếu PPI (CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương) sẽ hủy niêm yết từ ngày 20/5 do công ty mẹ lỗ sau thuế liên tục trong ba năm từ 2016-2018.

Trong tuần, CTCP Ô tô Trường Hải cũng công bố muốn mua 69,7 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG) với mục đích đầu tư tài chính. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 23/4 đến 22/5.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên sàn HOSE với giá trị ròng 498,75 tỉ đồng tương ứng với khối lượng ròng hơn 8 triệu cổ phiếu. Xét theo khối lượng ròng, mã được mua ròng nhiều nhất là STB với 2,1 triệu cổ phiếu, tiếp theo là E1VFVN30 với 2,1 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, POW là mã bị bán ròng nhiều nhất với 2,4 triệu cổ phiếu.

Thanh khoản thị trường teo tóp, nhà đầu tư săn mã nào trong mùa đại hội - Ảnh 2.

BED (CTCP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng) là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất tuần với mức tăng 33% từ 43.000 đồng lên 57.200 đồng/cp, tiếp theo là PCE (CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung). Ở chiều ngược lại, PSW (CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ) là cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh nhất.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng trên sàn HNX với giá trị ròng 45,93 tỉ đồng tương ứng với khối lượng ròng 4,1 triệu cổ phiếu. Xét theo khối lượng ròng, cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là SHB với 2,5 triệu cổ phiếu, tiếp theo là VGC với 1,1 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, DCS là mã bị bán ròng nhiều nhất với 89.500 cổ phiếu.

Ngày 18/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét người, nơi ở, nơi làm việc đối với 5 đối tượng nguyên là lãnh đạo tại Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) để điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Tisco.

Cổ phiếu TIS của CTCP Gang thép Thái Nguyên được giao dịch trên UPCoM với giá kết phiên ngày 19/4 là 10.300 đồng/cp.

Nhật Huyền