|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thanh khoản thị trường qua lăng kính quỹ đầu tư

13:47 | 11/11/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia từ quỹ IPAAM, thị trường đang trải qua giai đoạn thực sự khó khăn khi thanh khoản giảm một cách nghiêm trọng.

Khi niềm tin lung lay 

Thanh khoản thị trường tài chính, chứng khoán hiện nay đều ghi nhận thanh khoản ở mức thấp. Trong buổi talkshow do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 11/11, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư quỹ IPAAM, cho rằng vòng quay tài sản của các đơn vị tham gia thị trường, các nhà đầu tư có phần chậm đi đôi chút, dẫn đến thanh khoản giảm đi. Nếu thực trạng này diễn ra trong thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng vốn trong trung và dài hạn.

Ông Mai Cường, Phó Giám đốc Khối phát triển kinh doanh quỹ PVIAM. (Ảnh: Báo Đầu tư). 

Ông Mai Cường, Phó Giám đốc Khối phát triển kinh doanh quỹ PVIAM cũng đưa ra những nhận định tương tự, rằng thị trường đang trải qua giai đoạn thực sự khó khăn trong nhiều năm trở lại đây. Thanh khoản thị trường giảm một cách nghiêm trọng, dòng tiền bị rút qua các kênh đầu tư khác và niềm tin của thị trường cũng giảm, đến từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Phó Giám đốc Khối phát triển kinh doanh quỹ PVIAM cho rằng “thị trường đã xảy ra hiệu ứng domino trên một phương diện nào đó, từ việc thị trường cổ phiếu bị suy giảm, rồi các vấn đề giải chấp thường xuyên xảy ra và thị trường bất động sản cũng suy giảm.

Khi nhà nước đang cố gắng bình ổn về vĩ mô thì hiệu ứng này xảy ra, các tài sản bị sụt giảm và liên quan đến rất nhiều chủ thể, bao gồm cả ngân hàng.

Với việc tài sản đảm bảo chủ yếu là các bất động sản thì khi các bất động sản giảm giá, các nhà đầu tư phải bổ sung tài sản đảm bảo. Trong khi thanh khoản thị trường kém như hiện tại thì nhà đầu tư có bán ra bất kỳ tài sản nào cũng phải bán ra rất rẻ, và tìm người mua tương đối khó”.

Gỡ rối thanh khoản

Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư quỹ IPAAM. (Ảnh: Báo Đầu tư).  

Theo ông Cao Minh Hoàng, vấn đề hiện tại của thị trường vốn là nhà đầu tư đang bị lung lay, lo lắng liệu rằng đồng vốn của mình tích cóp có bị mất hay không.

“Trong thời gian qua, vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng sau các sự kiện liên quan đến Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Từ tháng 9-10, thị trường có rất nhiều tin đồn liên tiếp làm nhà đầu tư rất hoang mang. Bản thân chúng tôi là nhà đầu tư không biết tin nào thật, tin nào sai. Chúng tôi có ngồi lại với nhau, có đánh giá vấn đề nhưng chỉ ở mức độ nhất định.

Tôi cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là các chủ thể đầu tư trên thị trường bao gồm nhà đầu tư, tổ chức phát hành phải ngồi lại cùng nhau, nhìn xem vấn đề là gì. Khi chúng ta bình tĩnh lại, nhìn nhận đúng vấn đề thì hiện tượng rút vốn sẽ được hạn chế một phần nào đó khi thông tin minh bạch.

Đối với các quỹ đầu tư có hiện tượng bị rút vốn, các quỹ nên có những buổi gặp gỡ trực tiếp để chia sẻ thông tin với nhà đầu tư, qua đó có thể giãn tiến độ rút vốn vì không một tổ chức nào khi bị rút vốn ồ ạt, kể cả ngân hàng có thể đỡ được thanh khoản trong hiện tại”, lãnh đạo quỹ PVIAM nói.

Giám đốc đầu tư quỹ IPAAM cho biết, “xét trên tỷ lệ trên GDP, quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn rất rất nhiều tiềm năng phát triển và đây thực sự là kênh rất hấp dẫn để huy động nguồn vốn trong dân một các hiệu quả.

Vấn đề duy nhất là khi thị trường trái phiếu còn non trẻ, những bước đi chập chững đầu tiên cần được dìu dắt và nâng đỡ rất kỹ càng từ cơ quan quản lý.

Các cơ quan quản lý đóng vai trò công bố các thông tin chính thống, các nhà phát hành cũng phải có thông tin chính thống để nhà đầu tư an tâm hơn. Khi niềm tin đã quay trở lại thì tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ quay trở lại. Còn vĩ mô không phải là yếu tố quan trọng nhất thời điểm hiện tại, nó chỉ tác động tương đối vào thị trường”.

Ngoài ra, ông Cường dẫn chứng thị trường quốc tế thường lập ra các quỹ bình ổn trái phiếu. Việt Nam cũng nghiên cứu dần các mô hình có thể áp dụng trong tương lai để làm sao thị trường có kênh thanh khoản tốt khi gặp các biến động lớn.

Ngọc Anh