|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp bất động sản nhà ở tăng trưởng lợi nhuận từ đâu khi thị trường kẹt thanh khoản?

07:32 | 02/11/2022
Chia sẻ
32 doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết ghi nhận lãi ròng tăng trưởng trong quý III/2022. Xét trong 9 tháng đầu năm, con số này là 27 doanh nghiệp.

 

Thị trường bất động sản quý III kẹt thanh khoản khắp nơi sau loạt khó khăn kéo dài: Tín dụng được kiểm soát chặt, tăng lãi suất,... (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Nếu như thị trường bất động sản kẹt thanh khoản cục bộ trong 6 tháng đầu năm thì bước sang quý III, thị trường chính thức bước vào giai đoạn đóng băng. Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, mức mức độ quan tâm bất động sản giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc và lượng giao dịch thực tế không đáng kể. Nguyên nhân là “người mua không dám mua, còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều” như lời chia sẻ của Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển.

Hoạt động bán hàng của nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm lại trong quý III khi tỷ lệ chào bán thành công thấp hơn các đợt chào bán trước đó. Gần đây nhất, thị trường rầm rộ sau thông tin một doanh nghiệp đưa ra mức chiết khấu 50% giá trị bất động sản cho một dự án ở Đồng Nai. Chính sách này được cho rằng nhằm kích cầu trong bối cảnh thị trường đuối thanh khoản.

Trong bối cảnh khó khăn chung, lợi nhuận của 32 doanh nghiệp bất động sản niêm yết ghi nhận tăng trưởng trong quý III, phần lớn không được đóng góp từ hoạt động kinh doanh chính và so với mức nền thấp ở cùng kỳ - giai đoạn dịch COVID-19.

Báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cho thấy, lãi ròng quý III của doanh nghiệp tăng 18% lên 711 tỷ đồng, được đóng góp chính từ nguồn thu gần 1.250 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 46% cổ phần tại CTCP Địa ốc Sài Gòn – KL (chủ đầu tư dự án Astral City, Bình Dương). Doanh thu thuần trong quý của doanh nghiệp giảm còn 11 tỷ đồng so với con số 1.267 tỷ đồng doanh thu ghi nhận cùng kỳ năm trước. 

Cuối tháng 9, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH) đã mở bán đợt 1 dự án The Classia với 100 căn biệt thự - nhà phố với kết quả bán hàng đạt 96%. Song, lợi nhuận tăng trưởng trong quý của doanh nghiệp được đóng góp chủ yếu từ tiền bồi thường chấm dứt hợp đồng 123 tỷ đồng. Lãi ròng của doanh nghiệp tăng 11% lên 352 tỷ đồng.

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc). * Saigonres lỗ ròng trong quý III/2021.

Hoạt động bán hàng của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) giảm nhẹ trong kỳ kế toán quý III. Nhờ nguồn thu hơn 190 tỷ đồng từ thanh lý đầu tư nên lãi ròng trong quý của Đất Xanh gấp 3 lần cùng kỳ với hơn 153 tỷ đồng.

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) lỗ ròng gần 1 tỷ đồng trong quý III/2022. Lần thua lỗ gần nhất của doanh nghiệp là gần 15 tỷ đồng vào quý I/2017.

Trong thư gửi đến cổ đông vào ngày 31/10, DIC Corp cho biết doanh nghiệp không thể triển khai bán hàng theo kế hoạch dẫn đến doanh thu giảm. Một số dự án có sản phẩm đã hoàn thành đầu tư hạ tầng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai (nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế phí liên quan) nhưng việc xin phép chuyển nhượng gặp khó khăn do các nguyên nhân khách quan như: Công tác thanh tra, kiểm tra; công tác điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Một số doanh nghiệp khác như CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) ghi nhận doanh thu bất động sản ở mức thấp. Thay vào đó, mảng năng lượng (thủy điện, điện mặt trời và điện gió) đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quý, Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần tăng 32% lên gần 838 tỷ đồng và lãi ròng tăng hơn 10% lên hơn 251 tỷ đồng.  

Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, Mã: SGR) lãi ròng 190 tỷ đồng so với con số lỗ 7,5 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có thể được đóng góp từ khoản đầu tư đã được chuyển nhượng vào năm 2020 nhưng đến nay mới đủ điều kiện ghi nhận.

 (Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).  

CTCP Vinhomes (Mã: VHM) là doanh nghiệp bất động sản niêm yết duy nhất có lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong quý III. Doanh nghiệp đã bàn giao 1.300 căn thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire vào cuối tháng 9, sau 5 tháng khởi công.

Bên cạnh đó, doanh thu từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản đóng góp 30.719 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, được ghi nhận vào doanh thu tài chính của Vinhomes.

Kết quả doanh nghiệp ghi nhận 17.805 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 14.494 tỷ đồng lãi ròng trong quý III, giảm 14% về doanh thu nhưng tăng 30% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

Các số liệu công bố cũng cho thấy, trong nhiều kỳ kế toán gần đây, mặc dù kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng nhưng dòng tiền kinh doanh liên tục âm, chủ yếu tăng mạnh các khoản phải thu, phải trả và tồn kho. Một số doanh nghiệp đã phải tăng nợ vay để cân đối dòng tiền.

Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục nỗ lực trong hoạt động bán hàng cho mùa cao điểm quý IV. Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, "sau diễn biến lãi suất tăng, tín dụng hẹp cửa và tâm lý tiêu dùng yếu thì thanh khoản thị trường cuối năm là điều rất khó phán đoán. Người mua nhà nếu không có sự hỗ trợ tài chính sẽ rất khó, thị trường khi đó sẽ mắc kẹt trong việc khơi thông thanh khoản”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.