Thanh khoản kỷ lục là 'sợ hãi hay tham lam bắt đáy', công ty chứng khoán khuyến nghị NĐT nên làm gì lúc này?
Thanh khoản kỷ lục: Hoảng sợ hay hào hứng bắt đáy?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ánh mạnh mẽ trước thông tin cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quy định siết chặt hơn nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh phía nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Với mức giảm 45,4 điểm trong phiên cuối tuần (20/8), VN-Index giảm tổng cộng 27,6 điểm tuần qua (2,02%) về mức 1.329,43 điểm. Theo đó, chỉ số đã mất vùng hỗ trợ 1.340 – 1.350 điểm.
Tuy vậy, một điểm tích cực đó là lực mua trong phiên giảm sâu đẩy thanh khoản thị trường lên cao. Thanh khoản sàn HOSE đạt mức kỷ lục với gần 1,8 tỷ đơn vị khớp lệnh và giá trị vượt 37.000 tỷ đồng. Khác như những phiên hoảng loạn trước đó, cảnh tượng cổ phiếu giảm sàn hàng loạt đã không diễn ra.
Song, góc nhìn về mức thanh khoản kỷ lục này của bộ phận phân tích tại các công ty chứng khoán là khác nhau. Theo khối phân tích của chứng khoán VietcomBank (VCBS), hiện tượng này cho thấy tâm lý muốn thoát khỏi thị trường của nhà đầu tư trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
VCBS dự báo tuần tới, dòng tiền có thể sẽ có sự sụt giảm đáng kể trong tuần tới khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, nhất là khi thị trường vẫn đang trong trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Cùng quan điểm, khối phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất trong lịch sử, cho thấy tâm lý bán tháo mạnh mẽ của các nhà đầu tư.
Còn theo góc nhìn của khối phân tích MBS, "để có mức thanh khoản khổng lồ như vậy, hẳn phải có lực bắt đáy rất lớn, nếu không số cổ phiếu giảm mạnh còn lớn hơn nữa".
Nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Trước hai luồng quan điểm từ các công ty chứng khoán, câu hỏi đặt ra với nhà đầu tư là nên làm gì và chiến lược đầu tư ra sao thời điểm này.
VCBS: Vùng 1.300 điểm đóng vai trò hỗ trợ, NĐT ưu tiên chốt lời ngắn hạn
vùng điểm số quanh 1.300 điểm vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ cho xu hướng tích lũy của chỉ số. Bên cạnh đó, việc đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc và thêm vào đó là việc chỉ số VN-Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.380 điểm đang làm cho tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng hơn.
Do đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bảo toàn thành quả từ đợt tăng điểm vừa qua và quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại.
MBS: Cắt giảm margin, không bình quân giá
Điều tích cực lúc này là thị trường đã lôi kéo được dòng tiền vào bắt đáy để giúp hãm đà rơi của chỉ số. Các chỉ báo kỹ thuật ít có tác dụng với những phiên mang tính tâm lý như phiên 20/8. Điều NĐT cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
VietinBank Securities: Quan sát chờ tín hiệu tạo đáy
Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và chờ đợi dấu hiệu tạo đáy trước khi giải ngân trở lại vào nhóm các cổ phiếu hiện đang là điểm nhấn thu hút dòng tiền tốt như nhóm cổ phiếu thép, bất động sản, dệt may, xây dựng, bán lẻ hàng gia dụng và chuyên dụng, phân đạm, cảng biển bên cạnh nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng và chứng khoán với mức kỳ vọng VN-Index sẽ quay trở lại ngưỡng điểm 1.385 (kịch bản thận trọng) và/hoặc tại ngưỡng 1.425 điểm (kịch bản tích cực).
SHS: Canh vùng hỗ trợ 1.200 - 1.250 điểm để giải ngân trở lại
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 23 - 28/8, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn với vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.200 - 1.250 điểm. Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó và có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.200 - 1.250 điểm điểm để giải ngân trở lại.
Bên cạnh đó, những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn không nên bán tháo trong những phiên giảm mà nên đợi những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng.