Dòng tiền thông minh 23/8: Tự doanh và tổ chức nội bất ngờ xuống tiền gom hơn 1.100 tỷ đồng phiên VN-Index mất hơn 45 điểm
VN-Index chìm ngập trong sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối tuần (20/8). Nhip điều chỉnh tăng mạnh khi có thông tin về những giải pháp mạnh mẽ hơn của chính quyền TP HCM áp dụng cho thành phố này để có thể sớm khống chế dịch. Kết phiên, VN-Index giảm 3,3% đóng cửa ở mức 1.329,43 điểm.
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 38.222 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 48.493 tỷ đồng, tăng 53,2% so với phiên liền trước. Tổng số lệnh giao dịch trong phiên đạt gần 1,9 triệu, khối lượng giao dịch đạt gần 1,2 tỷ cổ phiếu và đây là những mốc đỉnh lịch sử của sàn HOSE.
Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi toàn bộ 19 nhóm ngành đều giảm điểm. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm dịch vụ tài chính, thép. Ngoài ra, số tiền thực tế tăng vào nhóm ngân hàng, bất động sản, lần lượt có thêm 3.400 tỷ đồng và 2.600 đồng so với phiên liền trước.
Trong phiên VN-Index giảm sâu, khối ngoại nâng quy mô bán ròng lên gần 700 tỷ đồng toàn thị trường. Trong khi đó, vị thế giao dịch của các bên còn lại gồm tự doanh, tổ chức trong nước và NĐT cá nhân đều có sự thay đổi.
Tự doanh tranh thủ mua ròng gần 750 tỷ đồng, tập trung vào nhiều bluechip
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này mua ròng 744 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch qua kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 735,5 tỷ đồng.
Cụ thể, tự doanh mua ròng 12/18 ngành trong đó tập trung rót tiền cho nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên thứ Sáu gồm VPB, TCB, HPG, VIC, MWG, STB, VCI, ACB, VNM, MBB.
Ở chiều ngược lại, khối tự doanh bán ròng chủ yếu nhóm xây dựng & vật liệu. Top cổ phiếu bị nhóm này bán ròng gồm DXG, BID, PC1, DBC, REE, DCM, PVT, DGC, BCG, ELC.
Tổ chức trong nước đổi vị thế mua ròng lần đầu trong hai tuần
Giao dịch cùng chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 395,8 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 117,4 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 7/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm bất động sản. Top10 cổ phiếu bị khối này bán ròng có VHM, MSB, MHC, DIG, MBB, GEX, SSB, PVT, KBC, CII.
Trong khi đó, tổ chức trong nước mua ròng nhiều nhất ngành thực phẩm và đồ uống. Top các mã được mua ròng có MSN, VPB, TCB, VNM, VGC, ACB, CTG, VCB, SSI, DXG
Cá nhân trong nước chuyển vị thế bán ròng sau chuỗi 10 phiên xuống tiền trước đó
Về phía NĐT cá nhân, họ rút ròng 366,6 tỷ đồng, trong đó bán ròng 190,5 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 8/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm VHM, MSB, KBC, CTG, MHC, VIC, NVL, DIG, BID, PVT.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ bán ròng 10/18 ngành và tập trung xả nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính. Top bán ròng có VPB, SSI, TCB, STB, MSN, MWG, DGC, VNM, MBB.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng, tập trung ngành bất động sản
Khối ngoại là bên duy nhất duy trì vị thế giao dịch như phiên trước đó. Họ tiếp đà bán ròng 692,8 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 427,5 tỷ đồng.
Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài tập trung ở nhóm dịch vụ tài chính, hóa chất. Top mua ròng khớp lệnh của NĐT ngoại gồm SSI, DGC, VHM, MBB, STB, PHR, PC1, TV2, NKG, GEX. Như vậy sau một chuỗi bán ròng, SSI đã được mua ròng trở lại lần đầu tiên trong 9 phiên liên tiếp.
Ở chiều ngược lại, khối ngoại duy trì bán ròng nhiều nhất cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top10 mã bị NĐT nước ngoài bán ròng gồm VIC, CTG, HPG, HCM, KBC, VNM, NVL, PVD, GMD. Theo quan sát, VHM vẫn tiếp tục được mua ròng mạnh bất chấp giá giảm và thông tin cổ đông lớn bán ra.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu VHM, Tập đoàn Vingroup đăng ký bán gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 3% vốn điều lệ của Vinhomes. Giao dịch dự kiến được thực hiện qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh từ ngày 19/8 đến ngày 17/9.
Cũng trong khoảng thời gian này, Viking Asia Holdings II Pte. Ltd cũng vừa đăng ký bán hơn 31,9 triệu cổ phiếu của Vinhomes vì mục đích kinh doanh theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nếu giao dịch thành công, Viking Asia Holdings sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ từ 5,5% xuống còn 4,6% vốn điều lệ, tương đương khối lượng 153,8 triệu cổ phiếu.