|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thanh khoản cổ phiếu VND lên cao nhất 8 tháng

15:18 | 25/03/2024
Chia sẻ
Khối lượng giao dịch phiên 25/3 của VND đạt 86,3 triệu cp, cao thứ hai lịch sử giao dịch, sau phiên 6/7/2023.

Trong một ngày Chứng khoán VNDirect gặp sự cố, cổ phiếu VND ghi nhận giảm 1,44% về 23,950 đồng/cp. TÍnh từ đầu năm, thị giá đã tăng 8%.

Thanh khoản tăng cao đột biến. Cụ thể, khối lượng giao dịch phiên 25/3 đạt 86,3 triệu cp, toàn bộ là khớp lệnh. Khối lượng này gấp 3 lần mức bình quân phiên qua 1 quý và cao thứ hai lịch sử giao dịch mã này, chỉ thấp hơn phiên 6/7/2023 (105,9 triệu cp).

Diễn biến giá và khối lượng khớp lệnh của VND từ 2022 đến phiên 25/3. Biểu đồ: FireAnt.

Đà giảm cùng thanh khoản cao của VND đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán có phiên điều chỉnh. VN-Index giảm 14 điểm, tương đương 1,1%, về gần 1.268 điểm. Không chỉ VND, các cổ phiếu ngành chứng khoán đồng loạt mang sắc đỏ như VCI (3,2%), AGR (-1,7%), CTS (-2%), BSI (-1,9%), SSI (-0,8%)...

VNDirect đã gặp sự cố hệ thống bắt đầu từ 24/3. Theo VNDirect, toàn bộ hệ thống của đơn vị này bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch (của VNDirect) bị tạm thời không truy cập được.

Đội ngũ công nghệ của VNDirect đã nỗ lực hết sức để khôi phục nhưng do hạ tầng dữ liệu rất lớn nên sẽ cần thêm thời gian để kết nối. Hiện tại, công ty cũng đang làm việc với các đối tác là các tập đoàn công nghệ, cũng như đã phối hợp xử lý cùng PA05, A05 để đảm bảo ngăn chặn sự cố tương tự như VNDirect cho an toàn của thị trường.

Phía công ty cho hay rằng toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không ảnh hưởng bởi sự cố tấn công.

Trang chủ VNDirect thông báo sự cố bất thường. Ảnh: X.N chụp màn hình vào sáng 25/3.

Trong khi đó, khách hàng giao dịch tại VNDirect không thể đăng nhập vào hệ thống, đồng nghĩa với không thể theo dõi danh mục hay phát sinh bất kỳ giao dịch (mua/bán) cổ phiếu vào phiên đầu tuần.

Ngay sau báo cáo sự cố của VNDirect, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo tạm ngắt kết nối giao dịch với riêng đơn vị này.

Xuân Nghĩa

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.