Thanh Hóa dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút FDI
Trong đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực.
Sau Thanh Hoá, Hà Tĩnh có 79 dự án, vốn đầu tư 11,74 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đăng ký. Quảng Nam ở vị trí thứ 3 với 223 dự án, vốn đăng ký 6,07 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký...
Quy mô vốn bình quân một dự án FDI của miền Trung đạt 28,25 triệu USD, cao hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước (11,75 triệu USD). Tổng vốn FDI của khu vực miền Trung hiện nay chiếm khoảng 15,16% tổng vốn FDI của toàn quốc.
Tại miền Trung, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 839 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 31,74 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký.
Sản xuất, phân phối điện thu hút được 43 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 10,02 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đăng ký.
Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 109 dự án, tổng vốn đăng ký 9,91 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đăng ký. Còn lại là các ngành khác như dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí,…
Đến nay, có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với 335 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 17,79 tỷ USD.
Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ hai với 141 dự án và 12,01 tỷ USD vốn đăng ký. Đứng thứ ba là Singapore với 105 dự án, vốn đăng ký 8,52 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, British Virgin Islands... có số vốn dầu tư lớn vào khu vực miền Trung.